Nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP
Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ở các địa phương đã chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu, đầu tư máy móc, chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của mình.
|
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2022 có 9 sản phẩm của 6 chủ thể là: Rượu sâm dây LAGROUP, rượu nếp đậu xanh, cao sâm dây của Công ty CP xuất nhập khẩu Lộc Anh và thực phẩm bổ sung yến Kid’s Kon Tum, yến chưng Kon Tum (không đường) của Công ty TNHH Yến sào Kon Tum ở thành phố Kon Tum; cao sâm dây Ngọc Linh của HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei (huyện Đăk Glei); bơ 034 của HTX Thái Thanh; nấm sò của hộ kinh doanh Võ Thị Xuân Hiếu và giò chả của hộ kinh doanh Phạm Thị Hoài ở huyện Sa Thầy.
Hầu hết các sản phẩm đều trải qua quá trình sản xuất, bán ra thị trường được 1-3 năm và được người tiêu dùng ghi nhận, đánh giá tốt.
Ông Ngô Quang Quyết- Chủ tịch HĐQT HTX Thương mại và dịch vụ Đăk Glei cho biết, sản phẩm cao sâm dây Ngọc Linh của HTX đã sản xuất và bán ra thị trường từ năm 2020. Để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này, HTX đã kết nối với người dân ở xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh cung ứng nguồn nguyên liệu sâm dây ổn định, đầu tư 1 máy sấy và 2 nồi nấu cao với kinh phí trên 150 triệu đồng, đồng thời, thiết kế bao bì, giới thiệu, trưng bày và bán trên các sàn giao dịch điện tử, các hội chợ, cửa hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng ở các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Giống như HTX Thương mại và dịch vụ Đăk Glei, HTX Thái Thanh ở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) cũng tập trung phát triển nguồn nguyên liệu trái cây ổn định, chủ động quảng bá, giới thiệu và kết nối các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong, ngoài tỉnh.
HTX Thái Thanh thành lập từ tháng 12/2019 với 7 thành viên cùng hơn 20 lao động thường xuyên, sản xuất kinh doanh trái cây với quy mô diện tích 18ha sầu riêng Muangthong, 5ha mít Thái và 9ha bơ 034, bơ Boot. Ông Nguyễn Duy Lơ- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thái Thanh cho hay, HTX chuyên canh đối với sầu riêng, bơ và trồng xen canh đối với mít Thái. Quy trình trồng và chăm sóc các cây ăn trái được thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, diện tích trồng cây sầu riêng và cây bơ đang bước vào vụ thu hoạch năm thứ 2. Các loại trái cây đang được tiêu thụ tại thị trường thành phố Kon Tum, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và thành phố Hà Nội.
“Ngoài ra, chúng tôi đang làm việc với một doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp tại thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) mua cây giống để mở rộng thêm diện tích sản xuất tại địa phương”- ông Lơ chia sẻ.
Tại huyện Sa Thầy, hộ kinh doanh Võ Thị Xuân Hiếu ở thôn Nghĩa Dũng (xã Sa Nghĩa) hiện đang sản xuất nấm sò trong nhà màng với tổng diện tích hơn 1.000m2. Việc trồng và chăm sóc nấm sò được áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Sản phẩm nấm được thu hoạch và cung ứng thường xuyên cho các chợ trung tâm huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum.
“Với kinh nghiệm trồng nấm sò gần 10 năm, gia đình chúng tôi đăng ký tham gia Chương trình OCOP để sản phẩm nấm được chứng nhận, phát triển và có chỗ đứng trên thị trường”- bà Võ Thị Xuân Hiếu nói.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2022 đều chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư dây chuyền chế biến và đóng gói tại chỗ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, có mẫu mã bao bì hiện đại và thị trường tiêu thụ ổn định.
Việc chủ động nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất và tạo ra các sản phẩm mới, các chủ thể có thêm kinh nghiệm trong sản xuất-kinh doanh, mở rộng được nguồn hàng và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy cạnh tranh, đa dạng hàng hóa và góp phần triển khai hiệu quả Chương trình OCOP tại địa phương.
Đức Thành