Mưa kéo dài - rau xanh “đội giá”
Mưa lớn khiến cho việc trồng rau xanh của nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vì thế nguồn cung rau giảm sút rõ rệt. Chính điều này đã khiến cho giá rau xanh tại các chợ đồng loạt “đội giá”.
Giá rau tăng mạnh...
Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum tại một số chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum như chợ Trung tâm thương mại, chợ Duy Tân, Võ Lâm, lượng rau xanh cung ứng những ngày vừa qua ít hơn hẳn, các mặt hàng cũng không đa dạng như ngày thường.
Giá giá rau xanh vì thế bị đẩy lên đáng kể, các mặt hàng rau ăn lá như: mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, xà lách... đều tăng giá khoảng 50 – 70%.
|
Chẳng hạn như rau cải xanh, cải ngọt đã tăng giá từ 6.000 - 8.000/kg lên mức 12.000 đồng/kg, xà lách cũng tăng thêm khoảng 5.000/kg, tương đương mức giá khoảng 20.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 10.000 đồng/kg lên mức 15.000 -18.000 đồng/kg, đậu cô ve tăng giá từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg...
Tại một số điểm bán thực phẩm nhỏ lẻ, giá rau xanh bán ra còn cao hơn tại các chợ chính từ 2.000 – 4.000 đồng/kg.
Riêng một số loại củ, quả như cà rốt, khoai tây, củ cải, bí xanh, bí đỏ, giá cả cũng có nhích hơn ngày thường, mức tăng không nhiều như các loại rau ăn lá.
Theo lý giải của các tiểu thương, do nguồn cung rau trên địa bàn tỉnh gần nửa tháng nay liên tục sụt giảm, giá lấy rau đầu vào cao nên các tiểu thương buộc phải nâng giá bán tới tay người tiêu dùng để bù vào mức chênh lệch.
Bên cạnh đó, các thương lái đã phải nhập một lượng rau khá lớn từ các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng về bán nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, nhưng do chi phí vận chuyển lớn, tỷ lệ hao hụt cao nên giá bán cũng rau cũng phải tăng cao hơn so với thời điểm trước.
...nhưng nông dân không vui
Mặc dù giá bán rau tăng đáng kể nhưng hầu hết người trồng rau đều không cảm thấy vui. Bởi, việc trồng rau gặp nhiều khó khăn, nông dân không có rau để bán nên không bù đắp được những thiệt hại.
Tìm hiểu thực tế tại các vùng chuyên canh rau trên địa bàn thành phố Kon Tum như Thắng Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Thống Nhất... chúng tôi ghi nhận việc sản xuất rau của nông dân hiện rất khó khăn. Rau dập nát, úng thối, không phát triển được, năng suất giảm, việc gieo trồng vụ mới cũng không thực hiện được nên nguồn cung rau trước mắt và thời gian tới chắc chắc sẽ khó cải thiện.
Chỉ tay về phía những luống rau xà lách bị dập nát, vàng úa sau nhiều ngày mưa, ông Nguyễn Hữu Ba (tổ 4, phường Thắng Lợi) thở dài chép miệng: Nhà tôi trồng hơn 5 sào rau, nhưng cô xem, quá nửa diện tích đang bị bỏ không mưa quá không gieo trồng được, đám gieo hạt giống xuống rồi cũng không lên được. Những đám rau lên xanh rồi nhưng gặp mưa to, kéo dài, không có nhà lưới che chắn nên cũng dập nát, thối gốc, tiếc nhất là mấy luống rau củ có giá trị cao như cà chua, bắp sú thối gần hết. Tôi đang tranh thủ thu mấy luống rau đến lứa, kể cả chưa đến lứa nhưng bán tạm được cũng cố gắng nhổ để “gỡ gạc” lại tiền đầu tư và thuê công lao động.
Cũng như ông Ba, nhiều hộ trồng rau bên cạnh cũng than vắn thở dài vì dù đã làm luống cao, đào vét mương máng cẩn thận, nhưng do mưa lớn và kéo dài nên phần nhiều các chân ruộng đều bị úng nước, rau thối gốc.
|
Các loại cây lấy quả như cà chua, cà tím, dưa leo thì bị thối rễ, thối hoa, quả bị rụng non... Vài bữa nữa nếu thời tiết nắng lên thì lượng rau chết sẽ còn nhiều hơn. Một hộ trồng rau khác cho chúng tôi biết về tình trạng không mấy khả quan về kết quả của việc trồng rau trong thời điểm này.
Nhiều nông dân dự báo, việc sản xuất rau của nông dân thời gian tới tiếp tục còn nhiều khó khăn do hiện tại đang là mùa mưa, thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp.
Thời tiết bất lợi, việc sản xuất rau gặp khó, lượng rau bán ra ít nên giá rau tăng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tế, không ít tiểu thương cũng tranh thủ mượn cớ nguồn cung rau giảm để đẩy giá cả lên cao; trong khi đó, từ người sản xuất đến người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian, mỗi khâu tăng một chút đã khiến giá rau xanh “đội lên cao”.
Ngọc Thắng