Mong manh cận nghèo
Tại nhiều thôn, làng ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng DTTS, có thể thấy nhiều ví dụ về việc hộ cận nghèo “tụt hạng”, trở thành hộ nghèo chỉ sau… một đêm
Hộ cận nghèo đang ở đâu và họ là ai? Họ cần được trợ giúp những gì để thoát ngèo?
Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn hộ cận nghèo năm 2022-2025 như sau: Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ cận nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở tỉnh ta đã giảm đáng kể trong những năm qua, trong bối cảnh kinh tế duy trì đà tăng trưởng, bất chấp khó khăn từ suy thoái toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh. Điều đó cho thấy các chủ trương, chính sách, dự án phục vụ giảm nghèo bền vững đã và đang được triển khai khá hiệu quả.
|
Bên cạnh những chính sách trực tiếp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, Nhà nước cũng đang quan tâm hơn đến đối tượng cận nghèo, mới thoát nghèo nhằm giúp họ vượt qua nguy cơ “tụt hạng” hoặc tái nghèo.
Trong đó nổi bật là các chính sách hỗ trợ về chăm sóc y tế, trợ cấp xã hội; hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà ở; về vay vốn; miễn, giảm học phí với học sinh, sinh viên hộ cận nghèo.
Ở tỉnh ta, ngoài các chính sách chung, hộ cận nghèo còn là một đối tượng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2022, đã có 55.861 thẻ bảo hiểm y tế được cấp miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó hộ cận nghèo là 8.328 thẻ.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/8/2016 của Tỉnh ủy Kon Tum về “giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020”, toàn tỉnh có 26.390 hộ thoát nghèo và 11.570 hộ thoát cận nghèo.
Còn năm 2022, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 6.782 hộ thoát nghèo và 3.409 hộ thoát cận nghèo, tương ứng giảm 3,87%.
Tuy nhiên, cũng theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh còn 8.857 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,03% tổng số hộ, trong đó, có 7.936 hộ cận nghèo DTTS. Đáng chú ý là có 169 hộ cận nghèo trở thành hộ nghèo.
|
Như tên gọi dành cho họ, dù được xếp trên hộ nghèo, nhưng hộ cận nghèo- thường không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn sản xuất- cũng là nhóm dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng mạnh từ những biến động giá cả, thiên tai, môi trường và dịch bệnh.
Đặc biệt, khoảng cách giữa họ với hộ nghèo rất mong manh. Có khi chỉ sau một đợt dịch bệnh hoặc thiên tai, có người đau ốm hoặc con cái đi học là hộ cận nghèo sẽ… nghèo.
Tại nhiều thôn, làng ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng DTTS, chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ về việc hộ cận nghèo “tụt hạng”, trở thành hộ nghèo chỉ sau… một đêm.
Như gia đình A Huy ở huyện Tu Mơ Rông, có một con bò và mấy sào ruộng rẫy, nên cuối năm ngoái được xếp vào hộ cận nghèo. Giữa năm, con bò mắc bệnh chết, chưa kịp vay vốn mua con bò mới về nuôi thì bão số 4 (tháng 9/2022) ập tới, cuốn trôi nhà cửa, ruộng lúa cũng mất trắng, thế là lại thành hộ nghèo.
Tất nhiên không nên, hay đúng hơn là không thể nhìn nhận bức tranh toàn cảnh thông qua một câu chuyện cá nhân. Nhưng từ câu chuyện của A Huy cũng cho chúng ta thấy được rằng, ranh giới giữa nghèo và cận nghèo rất mong manh, có thể bị xóa nhòa bất cứ lúc nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không nỗ lực giúp hộ cận nghèo vươn lên, không giải quyết được những khó khăn mà các hộ cận nghèo đang phải đối mặt, thì chúng ta có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng không cắt được “nguồn cung” hộ nghèo từ số hộ cận nghèo.
Vì vậy, đầu tư cho hộ cận nghèo, đưa hộ cận nghèo ra khỏi vùng “nguy cơ” tái nghèo chính là đầu tư cho giảm nghèo bền vững.
Hay đúng hơn, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững thì bên cạnh sự quan tâm đặc biệt đến hộ nghèo, thì chúng ta cần một hệ thống chính sách đủ để hỗ trợ hộ cận nghèo vươn lên.
Do vậy, công cuộc giảm nghèo muốn thành công thì không những tập trung cho hộ nghèo mà việc hỗ trợ hộ cận nghèo để họ vươn lên tránh rơi vào ngưỡng nghèo là chính sách chủ động góp phần giảm nghèo bền vững.
|
Để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững, theo chúng tôi cần quan tâm hơn nữa trong việc thiết kế những chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, dù không thể bằng hộ nghèo, nhưng cũng tạo động lực để họ vươn lên.
Việc xây dựng thiết chế chính sách cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo. Nếu cần thiết, có thể bổ sung hộ cận nghèo vào đối tượng yếu thế, để có những chính sách trợ giúp xã hội phù hợp như đang hỗ trợ người nghèo. Bởi vì khoảng cách giữa các nhóm đối tượng này không lớn, chỉ cần một tác động nhỏ từ xã hội cũng có thể thể làm cho họ “tụt hạng”.
Thay đổi nhận thức về giảm nghèo từ “hộ cận nghèo là đối tượng” sang “hộ cận nghèo là chủ thể”, qua đó, hộ cận nghèo xác định vươn lên thoát cận nghèo là việc của bản thân, để họ tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa.
Xem xét ứng dụng các mô hình kinh tế cho các hộ cận nghèo nhằm giúp họ vượt qua hẳn ngưỡng nghèo. Trong đó, có thể quan tâm hỗ trợ hộ cận nghèo để họ có thể trở thành hạt nhân, giúp đỡ những hộ nghèo xung quanh và liên kết cùng với các hộ nghèo để đưa cộng đồng thoát nghèo.
Đồng thời có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ cận nghèo đi xuất khẩu lao động, từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống của bản thân và gia đình.
Một chính sách ưu tiên để hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cần tính đến là hỗ trợ con em hộ cận nghèo đến trường, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bản thân hộ đó và đây cũng là một yếu tố cơ bản để giúp họ thoát nghèo bền vững.
Hồng Lam