Mô hình trồng sâm dây ở xã Đăk Blô
Triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được xây dựng, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống cho các hộ gia đình phụ nữ vùng biên. Điển hình như mô hình trồng sâm dây của các hội viên phụ nữ xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei).
Trong chuyến công tác mới đây, tôi có dịp được đến thăm mô hình trồng sâm dây của chị em hội viên phụ nữ xã Đăk Blô. Chứng kiến các chị cần mẫn, nâng niu chăm bẵm từng luống sâm dây, tôi có thể cảm nhận được kỳ vọng của chị em ở đây đối với mô hình kinh tế này.
Hơn 10h trưa, giữa cái nắng cháy da của mùa khô Tây Nguyên, dù khuôn mặt đã đỏ bừng, ướt đẫm mồ hôi, chị Y Hường (thôn Pênh Lang, xã Đăk Blô) vẫn đang miệt mài chăm sóc từng luống sâm dây. Chị rất vui khi rẫy sâm dây phát triển tươi tốt, nhiều cây đã cho củ đạt chất lượng, hứa hẹn sẽ mang đến nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.
Chị chia sẻ: Trước đây, chị em phụ nữ trong xã cũng đã nhiều lần muốn thử trồng sâm dây để vươn lên thoát nghèo, nhưng chưa thể thực hiện được. Bởi để gây dựng được một vườn sâm là chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt là nguồn vốn mua cây giống và cả kỹ thuật chăm sóc. Thật may khi giữa năm 2019 vừa qua, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã tạo điều kiện cho 20 hộ gia đình chị em phụ nữ trên địa bàn xã xây dựng mô hình trồng sâm dây. Đến nay, vườn sâm dây của chị em đều phát triển tốt, ai cũng mừng bởi tương lai chắc chắn có một nguồn thu nhập đáng kể, ổn định nhờ mô hình này.
Cảm nhận được niềm vui cùng hi vọng của chị em, chị Phạm Thị Mây - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei hồ hởi cho biết: Để xây dựng được vườn sâm dây như thế này, bên cạnh sự cần mẫn, chăm chỉ của chị em hội viên, không thể không nhắc đến sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các đơn vị. Trong đó, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng giúp 20 hộ làm vườn sâm rộng hơn 1ha; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công cán bộ, chiến sĩ sát cánh với các chị em thực hiện mô hình, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
|
Theo Trung tá Đặng Nguyên Hương - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Blô, thời gian qua, đơn vị đã phân công 18 đảng viên phụ trách 70 hộ gia đình ở xã Đăk Blô, bao gồm cả 20 hộ đang triển khai mô hình trồng sâm dây. Những đảng viên này hàng ngày đều bám sát địa bàn, hướng dẫn cho các hộ gia đình phát triển kinh tế và đặc biệt là chăm sóc vườn sâm dây đúng kỹ thuật.
Mô hình trồng sâm dây được triển khai, đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong đời sống thường nhật của các hội viên phụ nữ xã Đăk Blô. Điển hình như chị Y Ải (thôn Pênh Lang), hàng ngày, bên cạnh việc lên rẫy, chị còn cố gắng tìm hiểu thêm các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây thông qua sách vở và những kiến thức thực tiễn từ các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.
Khi được hỏi về chuyện trồng sâm dây, chị Y Ải tươi cười: Hiện tại mình chỉ trồng 1 sào sâm dây thôi, nhưng thời gian tới mình dự định sẽ mở rộng thêm diện tích. Bởi mình thấy cây sâm dây tuy trồng có vất vả, nhưng có giá trị kinh tế cao và đầu ra cũng ổn định. Hiện tại, tuy chưa đến lúc thu hoạch, nhưng đã có một số thương lái đến hỏi mua và đặt trước. Chính vì vậy, mình cảm thấy rất vui và phấn khởi. Mình rất biết ơn Hội LHPN tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hội LHPN thành phố Hà Nội đã cho mình có cơ hội tiếp cận với mô hình trồng sâm dây này.
Quan sát từng luống sâm dây phát triển tươi tốt, chị Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội vui mừng: Trong chuyến công tác này, tôi và các chị em trong đoàn đều rất phấn khởi, bởi nguồn kinh phí của mình hỗ trợ bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực giúp chị em phụ nữ xã biên giới Đăk Blô. Tôi hi vọng mô hình trồng sâm dây này sẽ ngày càng được nhân rộng, góp phần giúp các hội viên phụ nữ xã Đăk Blô xây dựng đời sống ổn định và ngày càng phát triển.
Tất Thành