Mô hình nuôi heo hữu cơ - Hướng đi mới trong chăn nuôi
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân ngày càng tăng, gia đình anh Nông Văn Hiền (thôn 13, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi heo bằng các phụ phẩm nông nghiệp, không dùng cám công nghiệp. Bước đầu, chuỗi cung ứng thịt heo sạch khép kín từ khâu chọn giống cho tới giết mổ, tạo ra sản phẩm thịt sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ đã được hình thành.
Gia đình anh Hiền gắn bó với nghề nuôi heo gần 20 năm nay, từ lúc nuôi nhỏ lẻ đến giờ anh Hiền đã có một trang trại quy mô trên diện tích đất hơn 1,2ha.
Trước đây, anh chủ yếu nuôi heo nái để bán heo giống và một số ít heo thịt theo phương pháp công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2016, giá heo hơi trên thị trường xuống thấp, việc tiêu thụ heo giống và cả heo thịt gặp khó khăn. Sau nhiều trăn trở, suy tính, anh Hiền quyết định giảm dần đàn heo nái và chuyển sang mô hình nuôi heo thịt theo phương pháp hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường.
|
Anh Hiền cho biết: Sau khi khảo sát thị trường, tham khảo các thông tin, tôi nhận thấy, người dân ngày càng chú ý đến việc tiêu dùng các loại thực phẩm sạch mà thịt heo là một trong những thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng nhiều. Phần lớn người dân hiện nay đều mua thịt heo theo kiểu tìm những chỗ thân quen, chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau để mua.
“Tôi nghĩ tại sao mình không chuyển sang nuôi heo sạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường và mở hướng mới trong nghề chăn nuôi. Nghĩ là làm, tôi bán bớt đàn heo nái, chỉ để lại gần 30 con để chủ động và kiểm soát được nguốn giống, toàn bộ đàn heo được chuyển sang nuôi theo phương thức sạch hoàn toàn từ khâu ăn uống, phòng bệnh đến giết mổ” - anh Hiền chia sẻ.
Để mục sở thị mô hình nuôi heo hữu cơ, chúng tôi theo anh Hiền đi thăm một vòng trang trại. Trang trại với khoảng 300 con heo từ heo nhỏ đến lớn được đầu tư quy mô, từng khu vực nuôi rất riêng biệt gồm khu nuôi heo nái chưa sinh, heo nái trong thời kỳ nuôi con; heo con mới tách mẹ, heo nhỡ, heo thịt. Riêng khu nuôi heo thịt được phân ra từng chuồng theo thứ tự A, B, C, D... tương đương với từng độ tuổi, trọng lượng heo.
Hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học, thoáng mát thuận lợi cho vệ sinh, chăm sóc sức khỏe đàn heo, có hệ thống phun sương đảm bảo thoáng về mùa hè, hầm Biogas để chứa phân.
Hàng ngày, chuồng trại và đàn heo đều được công nhân vệ sinh, chăm sóc kỹ lưỡng. Chuồng trại luôn được tiêu trùng khử độc định kỳ để đảm bảo đàn heo không bị nhiễm bệnh, phát triển đồng đều, khỏe mạnh. Ngoài ra, tại mỗi khu chuồng anh còn đầu tư lắp một giàn loa và thường xuyên mở nhạc.
Anh Hiền tiết lộ: Thực ra, tôi phải mở nhạc cho heo nghe để chúng ngủ. Bởi mỗi ngày tôi chỉ cho ăn có 2 bữa, cho chúng nghe nhạc du dương như một cách ru ngủ, khỏi đòi ăn và nhanh lớn hơn.
Thức ăn toàn bộ sử dụng các loại thức ăn tự nhiên như cám gạo, bắp, bã mỳ, đậu tương. Trong vườn, trên rẫy, anh trồng thêm chuối, khoai môn để bổ sung chất xơ cho heo. Anh còn sử dụng máy tự trộn thức ăn, giúp kiểm soát liều lượng nguyên liệu như bắp, khô đậu tương, cám gạo... Thức ăn được nấu bằng máy sục hơi hiện đại.
Để bổ sung thêm chất đạm, dinh dưỡng cho heo, anh Hiền còn đầu tư xây dựng cả một khu chuồng nuôi trùn quế với diện tích 300m2. Thức ăn cho trùn quế một phần được lấy từ phân heo ủ hoai mục và phân bò anh mua của người dân trong vùng. Thông thường mỗi tuần anh thu một lứa lấy trùn cho heo ăn.
Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn heo được gia đình anh Hiền rất chú trọng. Theo anh Hiền, việc phòng bệnh được anh ưu tiên hàng đầu.
“Tôi không sử dụng các loại thuốc thú y mà dùng toàn bộ các nguyên liệu tự nhiên, bằng kinh nghiệm của bản thân và sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật, tôi sử dụng các loại cây cỏ cho hợp lý. Ví như khi thấy thời tiết thay đổi, tôi hoà nước chanh đường cho heo uống để tăng sức đề kháng, thỉnh thoảng bổ sung thêm tỏi để tăng cường khả năng miễn dịch của đàn heo. Nếu heo bị đau thì tôi nhốt riêng, đối với từng bệnh mà dùng các loại nguyên liệu cho hợp lý như heo bị tiêu chảy thì dùng lá cây hồng ngọc, lá ổi, nghệ...” - anh Hiền nói.
Anh giãi bày: Tôi quan niệm, khi mình đau ốm dùng loại cây cỏ nào tốt cho sức khoẻ thì heo cũng vậy. Ngay cả trước đây khi nuôi heo công nghiệp tôi cũng không sử dụng kháng sinh vì kháng sinh không chỉ làm ảnh hưởng đến việc phát triển của con heo mà nó không tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng, giá thành thuốc kháng sinh cũng không hề thấp nên thay vào đó dùng các loại cây thuốc tự nhiên sẽ rẻ và tốt hơn.
Cùng với thức ăn, cách chăm sóc, thời gian nuôi heo cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để cho ra sản phẩm heo sạch.
Nếu như nuôi heo theo phương pháp công nghiệp thời gian nuôi từ khi sinh đến khi xuất chuồng chỉ mất khoảng 4- 4,5 tháng, thì nuôi heo phương pháp hữu cơ phải mất 8- 9 tháng, bởi khi heo nuôi lâu, lớn chậm thì da mới dày và thịt mới chắc, thơm ngon. Sau gần 1 năm xây dựng, từ đầu tháng 10, anh Hiền bắt đầu đưa sản phẩm thịt heo sạch ra thị trường, bình quân mỗi ngày anh mổ một con.
Anh Hiền cho biết: Heo được giết mổ tại lò mổ đảm bảo sạch sẽ; sau đó pha lóc ra từng loại; các loại thịt được người dân tiêu thụ nhiều như ba chỉ, vai, sườn... được đưa qua phòng lạnh trước khi vận chuyển đi để đảm bảo không bị vi khuẩn xâm nhập; phần thịt nạc mông thì đem xay giò, chả; phần tai, thủ đem làm giò xào...
|
Hiện nay, sản phẩm thịt heo của gia đình anh Hiền được bán tại Cửa hàng rau an toàn tại khu vực chợ Trung tâm thương mại của thành phố Kon Tum. Vợ anh Hiền là người trực tiếp bán bởi anh chị chưa thể yên tâm giao cho người khác hoặc để lại cho các thương lái khác, vì nếu họ thiếu trách nhiệm lấy cả thịt heo chỗ khác vào bán lẫn lộn thì sẽ mất uy tín.
Tuy nhiên, cái khó là hiện nay là số người dân biết và mua thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn chưa nhiều, thường chỉ có những khách hàng mua rau tại cửa hàng mới mua. Mặt khác, do giá thành loại thịt heo này khá cao, dao động từ 90.000 – 120.000 đồng (tuỳ loại) trong khi giá thịt heo thông thường đang ở mức thấp nên người tiêu dùng vẫn còn đắn đo.
Mô hình chăn nuôi heo theo phương pháp hữu cơ là cách làm mới mẻ, mạnh dạn của gia đình anh Nông Văn Hiền. Mặc dù bước đầu có thể còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đây có thể nói là hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Thiên Hương