Lồng ghép các chương trình để giảm nghèo bền vững
Từ năm 2016 đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã được triển khai gắn với thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều đến đúng đối tượng. Người nghèo được tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi đầu tư cơ sở hạ tầng, được nâng cao dân trí, đào tạo việc làm và hỗ trợ nhiều nguồn lực khác nhau để sản xuất - kinh doanh hộ…
Nhìn từ xã Kon Đào
Xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) là một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác giảm nghèo. Ông Dương Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, xã được phân bổ 2,4 tỷ đồng của chương trình 135 giai đoạn III, đầu tư cơ sở hạ tầng 5 công trình đường giao thông, hệ thống thủy lợi. Đồng thời, gần 2 ngàn lượt cán bộ xã, thôn và nhân dân được tập huấn nâng cao năng lực, ứng dụng, hỗ trợ khoa học kỹ thuật ở lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm cơ sở và phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, hộ nghèo và cận nghèo được cấp miễn phí hơn 30 ngàn cây giống cà phê, cao su… và phân bón các loại để đầu tư sản xuất; tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 15 tỷ đồng, nhằm tăng nguồn lực đầu tư kinh tế hộ, xây dựng 22 căn nhà mới, 264 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và vay vốn trang trải cho con em được đến trường học tập tốt hơn. Hàng năm, người nghèo còn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tiền điện thắp sáng, thụ hưởng các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư mới ngày càng tích cực hơn…
Từ năm 2016 đến nay, xã Kon Đào đã và đang thực hiện mô hình giảm nghèo “Chăm sóc cà phê bằng chế phẩm hữu cơ sinh học bảo vệ môi trường tạo sinh kế giảm nghèo bền vững” cho kết quả khả quan. Mô hình này có tổng kinh phí 408 triệu đồng giúp 22 hộ nghèo và cận nghèo đầu tư vốn cho 11,15ha cây cà phê. Tham gia mô hình, bà con còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, được hỗ trợ phân bón vun trồng cho vườn cà phê.
“Hơn 2 năm qua, địa phương đã áp dụng đúng các quy định về giải ngân nguồn vốn các chương trình, chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Quá trình triển khai công tác trên, địa phương luôn chỉ đạo sát sao cán bộ chuyên môn theo dõi, tham mưu giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện cho đối tượng hưởng lợi có cơ hội cải thiện cuộc sống, phát triển đi lên. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,87% (năm 2016) xuống 15,38% (đầu năm 2018)” - ông Dũng nhận xét.
Đúng đối tượng, đúng tiến độ
Tính từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã quan tâm đúng mức đến các hộ nghèo, kịp thời phân bổ nhiều nguồn lực lồng ghép, đảm bảo tiến độ triển khai các chính sách giảm nghèo; tổng nguồn lực phân bổ thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh gần 6.456 tỷ đồng.
|
Kết quả, đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã là 66,67%; 86/86 xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 102 xã, phường, thị trấn đều có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.
Toàn tỉnh có 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%; tỷ lệ ki lô mét đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 53%.
Đến nay, có 606 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, làm nhà ở mới; 100% số hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được hưởng lợi từ các công trình thiết chế văn hóa cơ sở đầu tư đến tận thôn làng; 100% số hộ nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và được học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác.
Thời gian qua, có 300 lượt hộ dân các địa phương nghèo còn được quan tâm, hưởng lợi 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Theo kết quả ban đầu giám sát ở cấp huyện, tất cả dự án đầu tư đều phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương cung ứng cho người dân giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tăng cường vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư du lịch, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sâm Ngọc Linh, các cây dược liệu quý, đặc biệt là trồng dược liệu dưới tán rừng (như hồng đẳng sâm, đương quy...) và trồng rau, hoa, quả xứ lạnh để giải quyết việc làm ổn định cho người lao động tại chỗ ở địa phương Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông...
Đến tháng 6/2018, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, với tổng dư nợ đạt 2.222,5 tỷ đồng, tổng số 12.827 lượt khách hàng vay vốn. Riêng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm nay là 362 tỷ đồng, trong đó khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng ưu đãi trên.
Nhờ hưởng lợi các nguồn hỗ trợ trên, từ năm 2016 đến đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 3,56%, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 26,11% xuống còn 20,30%. Trong 2 năm qua, tổng số hộ thoát nghèo là 10.340 hộ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thực tiễn áp dụng chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều và lồng ghép nhiều chương trình, dự án để giúp hộ nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản rõ nét hơn, qua đó có đánh giá toàn diện về mức độ hưởng lợi như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Mặt khác, công tác triển khai thực hiện giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều đã góp phần hạn chế việc bỏ sót đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về các chiều khác. Từ đó khắc phục dần những bất cập, hạn chế của chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên nhiều phương diện, bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
Mai Trâm