Làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng vùng giáp ranh
Thời gian qua, với tinh thần chủ động và phối hợp chặt chẽ, các đơn vị, địa phương có diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Gia Lai đã tích cực, trách nhiệm trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng sinh sống ở khu vực giáp ranh.
Ranh giới giữa xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) với xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có chiều dài hơn 24km. Tài nguyên rừng ở đây chủ yếu là rừng phòng hộ thủy điện Ialy với trữ lượng lâm sản tương đối lớn và phong phú về chủng loại, có một số loài cây có giá trị kinh tế.
Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đặc biệt là vùng giáp ranh, hang năm, UBND xã Ya Tăng chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tuần tra rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về lâm nghiệp qua nhiều hình thức, trong đó chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng nòng cốt, đoàn thể-chính trị xã hội, cán bộ, già làng, người có uy tín ở các thôn, làng để thu hút người dân tham gia bảo vệ, phòng cháy chữa cháy và trồng rừng. Đồng thời, thực hiện tốt các nội dung trong quy chế phối hợp của các cấp, ngành đã ký kết, tăng cường công tác phối hợp với UBND xã Ia Kreng, chỉ đạo các lực lượng (gồm kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ) nắm chắc địa bàn, đối tượng; gặp gỡ, hỗ trợ, trao đổi thông tin thường xuyên với các lực lượng của xã Ia Kreng.
|
Kết quả giai đoạn 2018-2021, xã Ya Tăng đã tổ chức 28 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và tổ chức 27 đợt tuyên truyền trực tiếp ở các thôn, làng với hơn 1.160 lượt người tham gia.
Bà Y Phin- Chủ tịch UBND xã Ya Tăng cho biết, từ những nội dung đã được UBND các cấp và cơ quan chuyên môn của 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai thống nhất ký kết thực hiện, thời gian qua, UBND xã Ya Tăng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các nội dung đã ký kết. Nhìn chung, việc thực hiện nhiệm vụ và công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả đáng kể. Các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng vùng giáp ranh qua các năm giảm dần; người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng và tố giác tội phạm; tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được địa phương kiểm soát tốt. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã Ya Tăng không xảy ra vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp nào.
Tại Chi nhánh Lâm trường Măng Đen (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy), để bảo vệ khu vực rừng, đất lâm nghiệp và phi nông nghiệp rộng hơn 15.304ha giáp ranh với các huyện Kbang, Đăk Đoa và Chư Păh (tỉnh Gia Lai), Chi nhánh chủ động xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch quản lý bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên diện tích rừng trực thuộc, phối hợp với UBND các xã Đăk Ruồng, Đăk Pne, Tân Lập và thị trấn Đăk Rve tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư định kỳ 1 lần/tháng và thường xuyên tổ chức công tác tuần tra bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Chi nhánh cùng UBND các xã có diện tích rừng giáp ranh tổ chức gặp gỡ, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với UBND các xã thuộc các huyện của tỉnh Gia Lai.
|
Ông Nguyễn Văn Chính- Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Măng Đen khẳng định, ngoài công tác tuần tra, kiểm tra rừng được Chi nhánh triển khai định kỳ và đột xuất, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng cũng được xem trọng đúng mức. Hiện nay, Chi nhánh đang giao khoán bảo vệ hơn 6.200ha rừng cho các cộng đồng dân cư thuộc 2 xã Tân Lập và Đăk Pne; ngoài ra Chi nhánh còn tổ chức chăm sóc 20ha rừng trồng (7 năm tuổi) với sự tham gia của người dân các xã. Nhận được lợi ích từ rừng mang lại, người dân sinh sống trên địa bàn, đặc biệt là người dân ở khu vực giáp ranh đã thực hiện tốt các quy định, cam kết đã ký về bảo vệ và phát triển rừng. Tại khu vực giáp ranh, rừng được giao khoán của Chi nhánh không còn tình trạng xâm lấn, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tỉnh Kon Tum có 4 huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum có diện tích rừng giáp ranh dài 183,5km với 4 huyện của tỉnh Gia Lai (gồm Đăk Đoa, Kbang, Chư Păh và Ia Grai). Khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh có đa dạng sinh học cao, nhiều động, thực vật quý hiếm, có vai trò lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh- quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội.
Giai đoạn 2018 đến nay, các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng của tỉnh Kon Tum đã tổ chức 214 đợt tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng với hơn 7.274 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, đã phát hiện, xử lý 196 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 16 xe ô tô, 8 xe máy cày, 3 phà sắt, 1 thuyền sắt, 1 máy tời, 15 cưa xăng cùng nhiều công cụ khác, phạt tiền hơn 1,74 tỷ đồng và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị chủ rừng của tỉnh Kon Tum tiếp tục chủ động triển khai công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các địa phương, đơn vị thuộc tỉnh Gia Lai. Đồng thời, tăng cường phối hợp xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch tuần tra rừng, thông tin tuyên truyền đến người dân, hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy rừng, điều tra, xác minh, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và truy xuất nguồn gốc lâm sản. Qua đó, góp phần bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng giáp ranh.
Đức Thành