Làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại
Dám nghĩ dám làm, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, đó là đoàn viên Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1987) tại thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Với sự cần mẫn, say mê, ham tìm tòi học hỏi, anh Tuân đã chọn công việc gắn bó với ruộng vườn để làm hướng đi cho riêng mình trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Văn Tuân trở về xã Tân Lập và bắt tay vào phát triển kinh tế với việc trồng cao su. Tuy nhiên, sau một thời gian thử sức, bỏ công đầu tư, chăm sóc thí điểm, vườn cao su của anh không đạt kết quả như mong đợi. Thấy vậy, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tuân đã quyết định từ bỏ mô hình này để tìm hướng đi mới với các loại cây trồng khác.
Sau nhiều chuyến đi thực tế đến các địa phương khác nhau để tìm tòi, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế từ nông nghiệp, anh đã bị thu hút bởi mô hình trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận. Năm 2013, Tuân quyết định vay vốn ngân hàng (200 triệu đồng), kết hợp với số tiền dành dụm được của mình, để trồng thử nghiệm 200 gốc thanh long.
Sau 1 năm thử sức, vườn thanh long tươi tốt, phát triển ổn định. Vụ thu hoạch đầu tiên đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho anh Tuân. Khi đã xác định loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, anh Tuân dần mở rộng quy mô, diện tích vườn thanh long của mình, đến nay đã được 800 gốc.
Anh Tuân chia sẻ: Theo giai đoạn phát triển, từ lúc cây trổ bông đến khi quả thanh long chín, sẽ mất khoảng 60 ngày. Vậy nên tại mô hình này, mình đã phân chia diện tích vườn theo từng khu vực, điều chỉnh thời gian cây trổ bông để cho thời điểm thu hoạch khác nhau. Nhờ vậy cứ 1 năm, mình có 9 tháng để thu hoạch thanh long (từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch), cứ đều đặn mỗi tháng 2 lần, mình sẽ thu hoạch thanh long vào thời điểm đầu và giữa tháng.
|
Là người đã gắn bó với cây thanh long trong nhiều năm qua, anh Tuân ví nghề trồng thanh long như chăm con mọn, bởi không chỉ đòi hỏi nắm vững các kiến thức kỹ thuật, mà người trồng còn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có thể thu về được thành quả. Lấy bản thân mình làm ví dụ, anh Tuân cho biết phải liên tục đi kiểm tra từng chiếc mầm, chồi để phòng và phát hiện mỗi khi cây có triệu chứng bị bệnh. Khi đã đảm bảo cây phát triển ổn định, quá trình tính ngày sao cho cây thanh long trổ bông vào đúng thời điểm định sẵn để thu hoạch như dự kiến là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, đây là loại cây ưa sáng, nên vào các thời điểm trái mùa, phải lắp hệ thống chiếu sáng vào ban đêm, để cây phát triển theo đúng kế hoạch của người chăm sóc.
Nâng niu từng nhánh thanh long trong vườn, anh Tuân cười vui: Tuy phải vất vả chăm sóc là thế, nhưng sức sống của nó dẻo dai và khỏe lắm. Chưa kể tuổi đời của 1 dây thanh long phải đến 30 năm, nên mình cũng không phải tái xây dựng lại mô hình trong thời gian ngắn. Quả thanh long cũng có thể thu hoạch ở nhiều thời điểm khác nhau, tuy nhiên với cá nhân mình, mình luôn chọn lúc quả đã chín hẳn mới thu hoạch, bởi lúc này quả đã đủ hàm lượng đường, cho ra vị ngọt thanh, vẻ ngoài bắt mắt, đảm bảo chất lượng cho khách hàng. Có lẽ cũng chính nhờ vậy, mà mình không gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Cứ hàng tháng, vào thời điểm thu hoạch, thương lái lại đến tận vườn của mình để thu mua, nhập ra các thị trường tại Huế và Đà Nẵng.
Có nguồn vốn từ cây thanh long, năm 2015, anh Tuân đã nhập thử 100 gốc sầu riêng về trồng. Sau quá trình thử nghiệm, cây phát triển ổn định, cho quả đạt chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Với thành công ban đầu, anh Tuân đã tiếp tục nhân rộng mô hình này của mình, đến nay anh đã có 500 gốc sầu riêng.
Anh Tuân tâm sự: Ngày đó, trồng sầu riêng là một quyết định liều lĩnh, bởi mình vẫn chưa có đủ kiến thức và kỹ thuật để chăm sóc loại cây này, lại càng không thể bỏ vườn thanh long để đi học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng sầu riêng. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng, muốn thành công, phải dám làm những việc mà người khác chưa làm, nên mình vẫn quyết định phát triển loại cây này. Cũng may mắn là khi ấy được sự giới thiệu của Đoàn xã đến Huyện đoàn, mình được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng về trồng cây sầu riêng tại địa phương, nhờ đó mình đã được trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết.
Anh Nguyễn Văn Long - Bí thư Đoàn xã Tân Lập cho biết: Qua theo dõi và nắm bắt địa bàn, chúng tôi tổng hợp và lựa chọn những đoàn viên thanh niên phù hợp để giới thiệu các lớp tập huấn. Đối với trường hợp anh Nguyễn Văn Tuân, chúng tôi đã biết đến anh thông qua mô hình phát triển cây thanh long trên địa bàn trước đó, vì vậy khi anh muốn thử sức mình xây dựng mô hình trồng cây sầu riêng, Đoàn xã đã cố gắng để kết nối. Cho đến nay, dù mô hình trồng cây sầu riêng đã phát triển ổn định, nhưng chúng tôi vẫn luôn dành sự quan tâm, để có thể kịp thời hỗ trợ trong trường hợp anh Tuân cần giúp đỡ.
Anh Tuân chia sẻ: Cây sầu riêng chỉ thu hoạch mỗi năm 1 lần. Vậy nên, để cây sầu riêng phát triển ổn định, mình luôn chú ý thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, từ bón phân, tỉa cành đến phòng chống bệnh tật cho cây.
Cùng với thanh long và sầu riêng, anh Tuân còn trồng thêm 1.500 gốc cà phê và 300 gốc chanh để tạo nguồn thu, lấy ngắn nuôi dài; trồng thử nghiệm thêm mít và mắc ca.
Với mô hình kinh tế trang trại này, trung bình mỗi năm, anh Tuân thu được khoảng 500 triệu đồng. Nhờ đó, năm 2017, anh Tuân đã được Tỉnh đoàn tặng giấy khen “Thanh niên tiêu biểu lĩnh vực phát triển kinh tế”.
Tất Thành