“Lạc trôi” nghề kinh doanh băng, đĩa
Đã nhiều năm nay tôi không còn thói quen nghe nhạc, xem phim bằng đĩa CD hoặc VCD, DVD. Gần đây, khi tìm vài đĩa nhạc CD về nghe thì tôi mới biết những cửa hàng chuyên bán hoặc cho thuê băng, đĩa trước đây đã “rơi rụng”…
Cách đây khoảng hơn 5 - 7 năm về trước, khi nhắc đến những cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc…, người ta thường nghĩ ngay đến cảnh nhộn nhịp khách ra vô lựa đĩa, để mua những băng đĩa mà mình yêu thích. Trong đó, khách hàng đông nhất ở những nơi này vẫn là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nhiều người đã ăn nên làm ra và mở rộng việc kinh doanh trong lĩnh vực băng đĩa.
Nhưng vài đây, những cửa hàng kinh doanh loại hình này cứ “rơi rụng” dần, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối...
Ngày nay, dạo quanh thành phố Kon Tum và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, tìm “đỏ mắt” cũng không dễ thấy những cửa hàng bán băng, đĩa nhạc.
|
Ghé vào cửa hàng của một người quen trước đây chuyên bán băng, đĩa ở đối diện chợ Đăk Hà (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết người này đã chuyển sang kinh doanh điện thoại di động và một số mặt hàng điện tử khác, dẫu trước đây cơ sở kinh doanh này từng “ăn nên làm ra” từ việc kinh doanh băng đĩa.
Khi nhắc lại nghề kinh doanh băng đĩa, chủ cửa hàng Ngô Văn Phụng nuối tiếc: Hồi trước, kinh doanh băng đĩa nhạc không ngày nào lo “đói khách”, nhưng giờ công nghệ phát triển, người dân bây giờ không còn tha thiết với băng, đĩa nữa vì đã có điện thoại thông minh, thẻ nhớ, USB, internet… Họ chỉ cần lướt nhẹ ngón tay là có thể nghe được bài hát, hoặc xem được bộ phim mình cần. Sự phát triển của công nghệ và internet rầm rộ trong những năm qua đã “giết chết” các cửa hàng chuyên kinh doanh băng, đĩa.
Không chỉ riêng tôi, mà nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh băng, đĩa nhạc được xem là “hái ra tiền” trước đây ở huyện Đăk Hà giờ cũng đã đóng cửa, vì không có khách hàng. Khác với khung cảnh náo nhiệt, ồn ào chen nhau thử nhạc, lựa đĩa như trước, giờ kinh doanh điện thoại di động và một số máy móc hàng điện tử vừa nặng vốn lại vừa thuế cao nhưng khách vẫn không tấp nập ra vào xôm tụ. Ông Ngô Văn Phụng cho biết thêm.
Một người trước kia chuyên làm nghề kinh doanh băng, đĩa video lâu năm tại đường Trần Hưng Đạo, (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) cho biết, từ năm 1995 trở về trước gia đình tôi kinh doanh băng video. Khi đó, ai có nhu cầu thuê đầu băng, đầu máy video, tôi cũng có sẵn 10 cái để đáp ứng. Từ sau năm 1995 đến khoảng năm 2010 là thời hoàng kim của đĩa VCD, DVD. Lúc bấy giờ, trên địa bàn thành phố Kon Tum, ngoài những cửa hàng lớn, băng đĩa còn được bày bán tại các nhà sách, văn phòng phẩm, đó là chưa kể số lượng nhiều người đi bán băng đĩa dạo ở các tuyến đường hoặc bày bán lưu động ở tại các chợ.
Lúc đó, điện thoại di động thông minh chưa ra đời nên muốn xem phim hay nghe nhạc chỉ có cách là ra cửa hàng mua hoặc thuê về nhà xem; mọi người đổ xô mua băng, đĩa nhiều lắm, mỗi tuần là cửa hàng tôi phải nhập hàng từ thành phố Hồ Chí Minh về bán. Vào dịp lễ, tết hay mùa Giáng sinh là các loại băng, đĩa hài kịch, nhạc trẻ, nhạc xuân mới ra bán đắt như tôm tươi. Người quen ở đường Trần Hưng Đạo hào hứng kể về “thời hoàng kim” của nghề kinh doanh băng địa
Người dân bây giờ hầu hết đều thích nghe nhạc trên mạng hơn, cái thời nghe nhạc phải dùng máy tính, máy MP3, máy nghe nhạc bằng CD… đã qua lâu rồi. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây gia đình tôi buộc phải chuyển sang kinh doanh điện thoại di động. Hầu như các tiệm kinh doanh đĩa phim, ca nhạc trên địa bàn thành phố Kon Tum trước đây giờ đều phải tìm hướng kinh doanh mới hoặc bỏ nghề, nên giờ muốn tìm mua một vài đĩa nhạc, đĩa phim VCD hoặc DVD tìm không phải dễ... Một chủ cửa hàng kinh doanh khác trên địa bàn thành phố Kon Tum “than thở” với chúng tôi.
Thực vậy, tôi thử đi dọc các con đường trước đây có nhiều cửa hàng kinh doanh băng đĩa trên địa bàn thành phố như Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng… để tìm cửa hàng chuyên kinh doanh băng đĩa, nhưng hầu như không còn. Phần lớn những địa điểm chuyên kinh doanh băng đĩa trước đây giờ được chuyển sang kinh doanh văn phòng phẩm, hàng tạp hóa, điện thoại di động, thuốc tây, cà phê, shop quần áo...
Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nghe nhìn đã giúp mọi người dễ dàng xem một bộ phim hay thưởng thức một bản nhạc yêu thích mà không dùng đến băng, đĩa như trước đây. Các cửa hàng kinh doanh băng đĩa náo nhiệt một thời hầu hết phải “khai tử”, đó là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy tiếc nuối về “thời hoàng kim” của ngành kinh doanh băng đĩa- lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa nay đã “lạc trôi”...
Bảo Châu