Kon Tum với nỗi lo mùa mưa bão
Những năm gần đây thời tiết ngày càng cực đoan, dị thường, trái quy luật gây nhiều thiệt hại cả về tính mạng con người và tài sản. Năm nay mặc dù mới chớm mùa mưa bão, song chính quyền và người dân trong tỉnh đã canh cánh với nỗi lo thiên tai.
Ngay trong những trận mưa đầu mùa vào tháng 3 và tháng 5 vừa qua thiệt hại về tài sản đã xảy ra ở khu vực thành phố Kon Tum. Tại các xã: Đăk Năng, Ngọc Bay, Đoàn Kết… mưa đá kèm theo gió lốc kéo đổ, cuốn tốc mái khoảng 200 nhà dân; sập 2 nhà rông, một nhà thờ đang xây và cuốn bay mái nhiều phòng học. Gió lốc cũng làm hàng chục héc ta cao su đang trong thời kỳ kinh doanh khai thác mủ bị gãy đổ thiệt hại về kinh tế với người dân là rất lớn.
Anh A Do Le, nhà ở làng Rơ Wak, xã Đăk Năng nhớ lại: Chiều tối ngày 16/5 mưa đá rồi gió lốc ào ào kéo tới. Ngồi trong nhà mà mình thấy run hết người vì nghe tiếng mái tôn bay rào rào. Rồi tiếng cây cao su trong vườn gãy đổ ầm ầm. Sáng hôm sau đi kiểm tra thấy hơn 1ha cao su nhà mình đang khai thác mủ bị gãy đổ. Thiệt hại quá lớn với gia đình nên nhiều đêm lắm rồi mình không ngủ được. Lo lắng thu nhập trong gia đình không biết bây giờ dựa vào cái gì?
|
Ông Võ Minh Quang - Chủ tịch UBND xã Đăk Năng lo lắng: Thiệt hại do thiên tai gây ra vừa khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn vừa ảnh hưởng đến các mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà địa phương đang phấn đấu.
Thực tế cho thấy mặc dù chính quyền các cấp và ngành chức năng của tỉnh đã chủ động trong việc xây dựng phương án phòng chống thiên tai, quán triệt thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Song do địa hình phức tạp, nhiều điểm xung yếu, thời tiết lại diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường, trái quy luật nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao và thiệt hại là điều khó tránh trong mùa mưa bão năm nay.
Tại huyện Đăk Glei, mùa mưa bão năm 2017 địa phương này thiệt hại 11 tỷ đồng trong khi thu ngân sách cả năm tại địa bàn chỉ được khoảng 21 tỷ đồng. Bước vào mùa mưa bão mới, còn không ít thiệt hại của năm trước chưa khắc phục xong. Vì thế sạt lở, ách tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên các tuyến đường, như: Huyện lộ 81 đi xã Đăk Blô; Tỉnh lộ 673 đi các xã: Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh…
Ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei thẳng thắn: Khó khăn khách quan thấy được là địa hình đất dốc, chia cắt. Các tuyến giao thông có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp do mưa lớn kéo dài xảy ra sụt trượt gây ách tắc giao thông. Thứ hai là gây ngập lụt các vùng dân cư. Thứ ba là ảnh hưởng đến hoa màu. Về khó khăn chủ quan của địa phương tiềm lực kinh phí để hỗ trợ, giải quyết vấn đề cứu hộ, cứu nạn có những hạn chế.
Cùng với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ tại 3 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có thể xảy ra ách tắc bất cứ lúc nào khi có mưa lũ lớn. Trên địa bàn tỉnh, các tuyến quốc lộ, như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 24, đường Trường Sơn Đông kết nối Kon Tum với miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên cũng dễ bị chia cắt bởi sạt lở đất và ngập lụt trong mùa lũ.
Bên cạnh đó vấn đề đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện; 175 công trình thủy lợi, gồm 71 hồ chứa, 97 đập dâng, 7 trạm bơm điện cũng là vấn đề nan giải.
Chủ động ứng phó với thiên tai, ngay trước mùa mưa bão năm nay, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi trên 1 tỷ 800 triệu đồng, Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã hoàn thành việc sửa chữa các hư hỏng tại 19 hồ đập thủy lợi trên địa bàn 4 huyện, thành phố gồm: Ngọc Hồi, Đăk Glei, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.
Cùng với đó kiểm tra quy trình vận hành điều tiết đối với 71 hồ chứa; lập phương án phòng chống lũ lụt 24 hồ chứa có dân cư và cơ sở hạ tầng ở khu vực hạ du; lập phương án bảo vệ công trình thủy lợi đối với 2 hồ chứa Đăk Uy, Đăk Yên có dung tích trên 5 triệu m3 nước và hai hồ chứa Đăk Kan, Đăk Sa Men có dung tích nhỏ hơn 5 triệu m3 nước…
Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh cũng vẫn còn không ít công trình do nguồn kinh phí hạn chế chưa được sửa chữa tu bổ, như: đập Đăk Phát 1, 2 ở xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum; đập Đăk Sia 2, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy; đập Hố Chuối, Hố Mít, Đăk Tà Cang, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô…
Trao đổi về những vấn đề đặt ra trong việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi mùa mưa lũ năm nay, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng Phòng kỹ thuật - Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Các công trình thủy lợi của tỉnh nằm rải rác trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Vị trí công trình xa và địa hình đồi núi chia cắt nên rất khó khăn trong công tác đi lại, kiểm tra. Thứ hai là có công trình xây dựng rất lâu rồi đến nay vẫn chưa được đầu tư sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng rất nhiều. Mặt khác phía đầu nguồn của các công trình thủy lợi thảm thực vật suy giảm nên khi có mưa lượng bùn cát, cây cối đổ về lòng hồ gây khó khăn trong công tác vận hành điều tiết phòng chống lũ bão.
Thực tế cho thấy những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng thường xuyên bị ảnh hưởng và hứng chịu trực tiếp áp thấp nhiệt đới cũng như các cơn bão. Bởi vậy năm nay dù mới chớm mùa mưa bão, song chính quyền và người dân trong tỉnh đã canh cánh với nỗi lo thiên tai.
Bài, ảnh: Khoa Điềm