Kon Rẫy chung sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, cùng với việc ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, huyện Kon Rẫy còn huy động nhiều nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới (CTXDNTM) và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Đăk Pne là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy. Vì vậy, khi triển khai thực hiện CTXDNTM, xã gặp nhiều trở ngại như cơ sở hạ tầng còn thấp kém, kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, huy động mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kết hợp với việc vận động nhân dân chung tay góp sức nên việc thực hiện CTXDNTM trên địa bàn đạt được những chuyển biến tích cực.
Thôn Kon Gol 1 (xã Đăk Pne) có 241 hộ, 832 nhân khẩu, trong đó đồng bào Ba Na (nhánh Jơ Lâng) chiếm 80,76% dân số. Những năm qua, người dân trong thôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức (hiến đất, góp công lao động) cùng với chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả CTXDNTM.
|
Bà Y Hơn - Bí thư chi bộ thôn Kon Gol 1 chia sẻ, nhờ đồng tâm hiệp lực trong thực hiện nhiệm vụ XDNTM, đến nay thôn đã đạt chuẩn 10/10 tiêu chí thôn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, hạ tầng cơ sở như đường giao thông, thủy lợi, nhà rông văn hoá, trường học, nhà ở dân cư, điện, nước sinh hoạt được xây dựng đồng bộ đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 7,09%.
Ông Đinh Hồng Thắng - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Rẫy cho hay, giai đoạn 2021-2024, huyện huy động được 126,892 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai thực hiện các mục tiêu CTXDNTM; trong đó vốn đầu tư phát triển 112,920 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 13,972 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nên CTXDNTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 4 xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tơ Lung, Đăk Tờ Re đạt chuẩn NTM; trong đó xã Tân Lập đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022, xã Đăk Ruồng đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Tổng số tiêu chí đạt chuẩn xã NTM là 108/114 tiêu chí, đạt 94,74% KH, bình quân đạt 18 tiêu chí/xã. Huyện đạt 4/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.
Về xây dựng thôn NTM, đến nay huyện có 2 thôn (thôn 3, xã Tân Lập; thôn 9, xã Đăk Ruồng) đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Có 10 thôn (làng) đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí XDNTM vùng đồng bào DTTS, bao gồm: thôn 4, thôn 5 (xã Tân Lập); thôn 2 (xã Đăk Pne); thôn 6, thôn 7 (xã Đăk Tơ Lung); thôn 3 (xã Đăk Kôi); thôn Kon Rơ Pen, thôn Đak Jri (xã Đăk Tờ Re); thôn 8, thôn 13 (xã Đăk Ruồng).
|
Chia sẻ với chúng tôi về công tác XDNTM, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy thông tin: Để đánh giá thực chất công tác XDNTM thời gian qua và có giải pháp thực hiện trong những năm tới, vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá đúng thực tế các tiêu chí XDNTM đạt được ở các xã, thôn.
Sau khi rà soát, đánh giá lại theo Bộ tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 cho thấy: Tân Lập đạt 21/21 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; Đăk Ruồng đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao; Đăk Tơ Lung (được công nhận năm 2019) đạt 17/19 tiêu chí xã NTM, còn 2 tiêu chí chưa đạt (tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều); Đăk Tờ Re (được công nhận năm 2021) đạt 17/19 tiêu chí xã NTM, còn 2 tiêu chí (số 10, số 11) chưa đạt.
Ông Thủy cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở 2 xã Đăk Pne, Đăk Kôi. Đồng thời, quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế và việc làm ổn định để nhân dân tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Quang Định