Kon Plông trồng dược liệu dưới tán rừng
Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển các loại cây dược liệu, thời gian qua, huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương trên địa bàn triển khai công tác khảo sát, quy hoạch, khoanh vùng, nghiên cứu, đầu tư cơ sở gieo ươm cây giống, thu hút đầu tư, có chính sách hỗ trợ cho tổ chức và người dân phát triển cây dược liệu, trong đó có các loại cây dược liệu trồng dưới tán rừng.
Ông Lê Đức Tín- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, hiện nay địa phương đã thu hút được 13 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực trồng dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích 357ha (diện tích rừng 288ha). Trong đó, có 6 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, có quyết định cho thuê đất và quyết định cho thuê rừng tổng diện tích cho thuê đất và cho thuê rừng 157,8ha; 2 dự án có quyết định chủ trương đầu tư, có quyết định cho thuê đất 15,3ha (chưa có quyết định cho thuê rừng) với tổng vốn đầu tư 34,2 tỷ đồng; 5 dự án có chủ trương đầu tư (nhưng chưa có quyết định cho thuê đất, chưa có quyết định cho thuê rừng) với tổng vốn đầu tư 380,2 tỷ đồng, tổng diện tích đang hoàn thiện thủ tục cho thuê đất, cho thuê rừng 184,1ha.
Đáng chú ý, 6 dự án đã có đầy đủ thủ tục thuê đất, thuê rừng, đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ, nước tưới, vườn ươm giống, xây dựng nhà làm việc, nhà ở công nhân và đang triển khai sản xuất. Trong đó, diện tích trồng dưới tán rừng khoảng 30/288,2ha rừng được thuê, đạt 10,4% diện tích; cụ thể: Sâm dây 10ha, giảo cổ lam 5ha, độc hoạt 5ha, đương quy 5ha, ba kích 1ha, xạ đen 1ha, thảo dược khác 3ha. Diện tích trồng dược liệu của các dự án sinh trưởng, phát triển bình thường. Tuy nhiên, hiện nay chưa thu hoạch nên chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế.
Trong 2 dự án có quyết định chủ trương đầu tư, có quyết định cho thuê đất (chưa có quyết định cho thuê rừng), có 1 dự án đã triển khai dọn mặt bằng, chuẩn bị đất để triển khai trồng dược liệu trên diện tích đất đã thuê. Hiện nay các dự án đang hoàn thiện các thủ tục thuê rừng và triển khai các hoạt động đầu tư tiếp theo.
Ông Trương Ngọc Tuyền - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho hay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan và địa phương cơ sở trên địa bàn tổ chức khoanh vùng, bảo tồn, khai thác và phát triển các loại cây dược liệu như kim cương, ngũ vị tử, sơn tra, chè dây, chuối rừng... với diện tích 870ha; trong đó tại các xã 370ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông 500ha. Thành lập 2 cơ sở sản xuất cây giống dược liệu tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen; qua đó góp phần đa dạng hóa các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện Kon Plông, tạo ra các sản phẩm từ dược liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng và phục vụ cho việc nghiên cứu, bào chế thuốc, thực phẩm chức năng.
Để thúc đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, UBND huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lồng ghép nguồn vốn Chương trình Giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn mới để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển dược liệu.
Theo đó, thời gian qua, chính quyền huyện Kon Plông chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành hỗ trợ giống và phân bón cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển cây dược liệu; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết phát triển cây dược liệu và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm với kinh phí trên 22,8 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen triển khai Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh phát triển cây giống và trồng thương phẩm cây lan kim tuyến; phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ cơ sở III triển khai Đề tài nghiên cứu cây giống và trồng cây giảo cổ lam; Công ty TNHH Thái Hòa triển khai Dự án khoa học công nghệ cấp Bộ trồng thử nghiệm cây giảo cổ lam và cây độc hoạt.
|
Ông Đào Duy Khánh - Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết, huyện phấn đấu đến năm 2025 phát triển quy mô cây dược liệu 1.267ha, trong đó tập trung chủ yếu các loại dược liệu chủ lực như đảng sâm, đương quy, nghệ, sa nhân, sả Java và các loại dược liệu bản địa như chè dây, ngũ vị tử, sơn tra…; hoàn thiện và đưa vào sản xuất 2 cơ sở sản xuất các loại cây giống dược liệu tại Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; đồng thời thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và định hướng xuất khẩu.
Quang Định