Kon Plông trên đà phát triển
Hiện nay, huyện Kon Plông tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo sự đột phá trong nông nghiệp chất lượng cao, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Cách đây 46 năm, cùng với khí thế tiến công cách mạng như vũ bão của đồng bào và chiến sĩ cả nước, quân và dân huyện Kon Plông đã làm nên chiến thắng vang dội Măng Đen, Măng Bút. Và, ngày 30/10/1974 trở thành một trong những mốc son chói lọi, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của quân và dân huyện Kon Plông, là một trong những “bước tạo đà” góp sức cùng quân và dân trong tỉnh tiến lên giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975). Cho đến hôm nay và mãi về sau, chiến thắng Măng Đen, Măng Bút là niềm kiêu hãnh và tự hào của quân và dân huyện Kon Plông.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, với ý chí gang thép, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, cán bộ và nhân dân huyện Kon Plông lập nhiều chiến công hiển hách; từng bước trưởng thành trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng cơ sở kháng chiến, mở rộng, tổ chức bộ máy chính quyền, củng cố các tổ chức quần chúng, tạo đầu mối giao thông liên vùng quan trọng gắn liền Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ với duyên hải miền Trung; góp sức cùng quân dân cả nước giải phóng Tây Nguyên và tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế của Kon Plông, ngày 20/4/2007, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến 2020. Trong đó Kon Plông là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đặc biệt, tháng 2/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030.
|
Theo quy hoạch, Khu du lịch sinh thái Măng Đen sẽ được xây dựng thành trung tâm hành chính, đào tạo, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao của huyện Kon Plông; là đô thị động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phía Đông Bắc của Kon Tum; là đô thị phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng; là trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển sinh thái; là đầu mối giao thông liên vùng quan trọng, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, xã hội, gắn liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và quốc tế.
Qua 18 năm (2002-2020) tái lập huyện, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện Kon Plông đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng dần qua các năm, từ 9,5% (năm 2001) lên 16,2% năm 2019; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây dược liệu được đẩy mạnh; thu hút đầu tư vào địa bàn chuyển biến theo hướng tích cực.
Đời sống của nhân dân Kon Plông ngày nay được cải thiện rõ rệt, đảm bảo tốt các vấn đề an sinh xã hội. Kết quả đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 25,38% với 1.810 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8,34% với 595 hộ. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân khu vực nông thôn. Cuối năm 2019 xã Pờ Ê đạt 19 tiêu chí; các xã Măng Cành và Đăk Nên đạt 17 tiêu chí; Đăk Tăng đạt 16 tiêu chí; Ngọk Tem, xã Hiếu, Măng Bút, Đăk Ring đạt 12 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị luôn ổn định và giữ vững; nhân dân ngày càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, huyện Kon Plông tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo sự đột phá trong nông nghiệp chất lượng cao, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tập trung phát triển Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như: Tỉnh lộ 676, Quốc lộ 24, đường Trường Sơn Đông, đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông, các công trình thủy điện...., tập trung đầu tư hạ tầng khu trung tâm huyện đến các điểm du lịch; rà soát bổ sung chính sách thu hút dân kinh tế mới; vận dụng những chủ trương chính sách của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của địa phương, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Dương Lê