Khúc mắc giá cả
Diễn biến thị trường đang cho thấy nghịch lý “lên dễ, xuống khó” đối với hàng hóa. Điều đáng nói, đây không phải chuyện mới, mà là “biết rồi, khổ lắm”. Những giải pháp quản lý hiệu quả hơn là điều cần thiết hiện nay để chấm dứt nghịch lý trên.
Giữa tôi và cậu chủ tiệm cắt tóc quen thuộc có một khúc mắc nhỏ, liên quan đến giá cả.
Đầu tháng 7, tôi đi cắt tóc. Như thường lệ, sau khi cắt xong, tôi đưa tờ 100 ngàn đồng cho cậu chủ tiệm. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là, thay vì trả lại 40 ngàn, cậu ta chỉ đưa tôi tờ 20 ngàn.
Do giá xăng tăng, các mặt hàng đều tăng, trong đó có cả vật tư cho tiệm, thuê mặt bằng, nhân công, nên em phải tăng giá lên 80 ngàn, anh thông cảm- cậu ta giải thích, và cam kết “nếu giá xăng hạ thì sẽ giảm về giá cũ”.
Tất nhiên là tôi thông cảm, vì khi ấy, giá xăng đã lập kỷ lục hơn 32.000 đồng/lít, dù hơi mù mờ về mối liên hệ giữa giá cắt tóc với giá xăng. Hơn thế nữa, cửa hàng là nhà của cậu ta, thợ cắt tóc chính là cậu ta, nhưng tôi lại phải chia sẻ về tiền thuê nhà, thuê nhân công.
Quan trọng hơn, tôi đã không để ý đến mức tăng tới 33,3%, cho việc “tân trang” cái đầu của mình. Về mặt kinh tế, đây là mức tăng rất khủng, có thể gọi là đột biến.
Sau đó tôi biết rằng, “ăn theo” giá xăng, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đã tăng giá. Từ cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, gas đến thịt heo, gạo, rau xanh... Và dĩ nhiên, khi các nguyên liệu đầu vào tăng, thì đến tô phở, bún, cháo cho bữa sáng cũng tăng giá.
|
Giá tăng “đều và nhanh” đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đặc biệt là khi mới trải qua 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đang trong giai đoạn nỗ lực phục hồi kinh tế.
Thời gian qua, trong sự mong ngóng, chờ đợi của người tiêu dùng, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần. Mức giá xăng, dầu được điều chỉnh mới nhất, kỳ điều chỉnh ngày 11/8, tương đương với thời điểm tháng 1/2022.
Cụ thể, xăng E5RON92 không cao hơn 23.725 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 24.669 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.908 đồng/lít.
Khi giá xăng giảm, nhất định giá hàng hóa sẽ giảm theo - nhiều người hy vọng. Nhưng không như mong đợi, giá nhiều mặt hàng hóa vẫn “kiên trì” neo ở mức cao mà không chịu hạ nhiệt theo giá xăng.
Như nhiều người, dù giá tăng, nhưng tôi không thể thôi cắt tóc. Điều làm tôi bất bình là trên bức tường của tiệm vẫn treo tờ giấy ghi mức giá 80 ngàn đồng.
Nghĩa là cậu chủ tiệm đã phớt lờ lời cam kết. Không lẽ cậu ta còn chờ giá xăng hạ nữa?
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 6 nhóm tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,46%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,39%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,41%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; giáo dục tăng 0,47%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,25%.
Chỉ có 4 nhóm giảm nhẹ, gồm: Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%; giao thông giảm 3,16%; bưu chính viễn thông giảm 0,88%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%. Giá thuốc và dịch vụ y tế không biến động.
Đáng chú ý là trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,46%), thì mặt hàng lương thực tăng 0,24%; thực phẩm tăng 1,42% (thủy sản tươi sống tăng 2,75%, nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 4,67%, nhóm đồ gia vị tăng 0,43%)...
Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 trên địa bàn tỉnh vẫn tăng 0,41% so với tháng trước; tăng 2,77% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,94% so với tháng 12/2021; tăng 7,22% so với kỳ gốc 2019. Tính chung 7 tháng năm 2022, CPI bình quân tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ chế thị trường, việc tăng - giảm giá là tất nhiên. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát nhỏ, với đối tượng là chị em nội trợ trong xóm cho thấy, mọi người đều có khúc mắc về chuyện giá cả hiện nay.
Cũng có người bày tỏ sự thông cảm với việc giá cả hàng hóa chậm xuống, vì “giá xăng tăng khá lâu rồi họ mới tăng, thì họ giảm chậm hơn giá xăng cũng dễ hiểu”. Nhưng hầu hết đều cho rằng, khi giá nhiên liệu giảm mà giá cả các mặt hàng chưa giảm là không sòng phẳng với người tiêu dùng.
Rau, củ, quả, gạo, mắm, muối, đường, bột ngọt, mì gói... là những thứ ngày nào cũng phải ăn, cũng phải mua. Khi giá xăng dầu tăng thì hàng hóa tăng giá theo. Nhưng đến nay xăng dầu đã qua mấy lần giảm giá, nhiều mặt hàng vẫn chưa nhúc nhích, kiến cuộc sống đã khó khăn càng thêm khó- chị em phàn nàn.
Không thể phủ nhận những nỗ lực, và cả thành công của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc kiểm soát mặt bằng giá cả trong bối cảnh khó khăn chung.
Trong đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt và kịp thời về bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Nhờ vậy, đà tăng giá được kìm chế ở mức độ nhất định.
Mới đây nhất, ngày 9/8, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các huyện thành phố đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
|
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự quản lý, giám sát của Nhà nước, cần có chính sách khuyến khích mở rộng hệ thống cửa hàng bán bình ổn giá. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao ý thức của doanh nghiệp và người dân trong kinh doanh, không găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Về phía người tiêu dùng, cần tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của tỉnh và các ngành chức năng, giá cả thị trường ngày càng được kiểm soát hiệu quả hơn, tình trạng “tát nước theo mưa”, ăn theo giá xăng dầu để đẩy giá lên nhanh, xuống chậm sẽ dần được loại bỏ, quyền và lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Hồng Lam