Khơi thông nguồn vốn đầu tư công
Tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 được dự báo có không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh ấy, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Báo cáo số 4287/BC-UBND ngày 7/12/2023 của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII cho hay, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đạt dưới mức trung bình chung của cả nước, thấp nhất trong những năm qua.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính đến ngày 30/11, tỉnh ta giải ngân 1.824 tỷ/3.618 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 50,42% kế hoạch; đứng thứ 54/63 tỉnh thành cả nước, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 65%- Báo cáo 4287 nêu.
Số liệu cơ quan chuyên môn cung cấp thể hiện, nhiều đơn vị được giao tổ chức thực hiện dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh (19,75%); Sở Y tế (9,57%); Sở Giao thông Vận tải (29,97%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,25%); Chi cục Kiểm lâm (2,12%).
|
Tỷ lệ giải ngân thấp nhất nằm ở các dự án: Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi (33%); Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai (10,1%); Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (10,3%); Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum (14,4%); Đường trung tâm phía Nam thị trấn Plei Kần (15,6%).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm, có một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến khả năng giải ngân của các chủ đầu tư. Trong đó nổi lên là vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; vướng mắc trong công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản năm 2010 mất nhiều thủ tục, thời gian.
Bên cạnh đó là các vướng mắc về tổ chức, điều hành khi công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG giao chậm so với thời điểm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; vướng mắc trong việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
UBND tỉnh cho rằng, để tỷ lệ giải ngân thấp và thấp nhất so với những năm trước đây, trước hết trách nhiệm thuộc về các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, khi tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa chủ động, quyết liệt, phối hợp tốt trong nhiệm vụ được giao.
Tiếp theo là các sở, ngành có liên quan trong thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp chưa thực sự tốt; các huyện, thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng; trách nhiệm của các nhà thầu. UBND tỉnh cũng nhận khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành.
|
Tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 được dự báo có không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh ấy, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng.
Vì vậy, bước vào năm 2024, đầu tư công cần tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các ngành, các địa phương.
Trong đó các sở, ngành, đơn vị, địa phương được giao làm chủ đầu tư cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; phấn đấu năm 2024 các dự án có thể giải ngân ngay sau khi giao kế hoạch và có tỷ lệ giải ngân cao.
Trước hết, khâu chuẩn bị đầu tư phải kỹ lưỡng, hạn chế tối đa việc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn để đảm bảo đúng thời gian theo quy định.
Quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tích cực tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật, về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thống nhất thực hiện.
Phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định
Chấp hành nghiêm quy định về thời gian nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng; thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư ngay khi có khối lượng.
Nâng cao năng lực, tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý dự án đầu tư; chủ động phối hợp với cơ quan thẩm tra quyết toán cung cấp thông tin, trong giai đoạn thẩm tra quyết toán .
Các sở quản lý chuyên ngành đánh giá kỹ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 để xác định nhu cầu vốn NSNN năm 2024 phù hợp, sát với khả năng giải ngân của từng dự án. Đề xuất kế hoạch vốn phải đảm bảo cân đối tỷ lệ cấp phát của từng dự án, phù hợp với cơ chế tài chính.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn (quản lý dự án, giám sát), nhà thầu thi công xây dựng công trình vi phạm về chất lượng, tiến độ thi công, chậm báo cáo, dẫn đến làm mất kế hoạch vốn được giao.
Về phía UBND tỉnh, chỉ đạo chủ đầu tư chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong cuối năm 2023 và những ngày đầu năm 2024 (như quyết định đầu tư dự án khởi công mới, mặt bằng sạch, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị nhân công, máy móc, vật liệu) để có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng “vốn chờ dự án”.
Kiên quyết không xem xét việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án do lỗi sơ sót từ chủ quan của các chủ đầu tư trong quá trình lập chủ trương đầu tư.
Tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.
Xử lý và chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Hồng Lam