Khó khăn trong phát triển nghề cơ khí
Quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, năng lực hạn chế, sản phẩm làm ra đơn điệu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường... đó là thực trạng chung của ngành nghề cơ khí trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Việc tìm hướng đi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trụ vững trong cơ chế thị trương và đẩy ngành cơ khí phát triển dường như vẫn đang là bài toán khó với cả cơ sở làm nghề và các ngành, địa phương.
Manh mún và nhỏ lẻ
Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 36 doanh nghiệp và trên 100 cơ sở tham gia lĩnh vực sản xuất cơ khí. Các cơ sở này đều có quy mô nhỏ theo kiểu hộ gia đình, số lượng lao động ít, hầu hết là làm cơ khí gia công chỉ thực hiện được một số công việc và sản xất những thiết bị đơn giản như gò hàn, chế tạo đường ống áp lực, cán tôn và sản xuất ra các dụng cụ cầm tay như cuốc, xẻng, dao và các đồ gia dụng khác....phục vụ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt. Ngoài ra, trong các doanh nghiệp, nhà máy như: Nhà máy đường Kon Tum, chế biến Cồn Etanol (Đăk Tô), chế biến tinh bột sắn Sa Bình (Sa Thầy)…mỗi nhà máy có một phân xưởng cơ khí, nhưng chỉ làm nhiệm vụ sửa chữa, lắp ráp máy móc cho các đơn vị mình chứ không tham gia sản xuất các sản phẩm cơ khí bán ra thị trường.
Ông Võ Xuân Sơn – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay, hoạt động sản xuất của ngành cơ khí khá èo uột, hầu như chỉ thực hiện gia công một số sản phẩm đơn giản chứ không sản xuất được ra phôi hay chế tạo phôi. Máy móc, công nghệ của ngành cơ khí nhìn chung rất lạc hậu nên không chế tạo được ra các loại máy móc, thiết bị có giá trị cao; sản phẩm đơn điệu, chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, ngay cả những sản phẩm thủ công cũng khó cạnh tranh với sản phẩm nhập về từ nơi khác do giá thành cao, mẫu mã không đẹp. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính và trình độ kỹ thuật của người lao động đều hạn chế, khả năng sản xuất tập trung, trình độ chuyên môn hóa của các doanh nghiệp và cơ sở này chưa cao. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế mà ngành cơ khí mang lại còn thấp.
Trong những năm qua, mặc dù , tỷ trọng của ngành cơ khí trong tổng giá trị của toàn ngành công nghiệp có tăng, nhưng không đáng kể và không cho thấy sự phát triển của ngành cơ khí. Chẳng hạn như năm 2000, ngành cơ khí chiếm tỷ trọng 2,7%; năm 2005, chiếm 6,8% ; năm 2010 chiếm 8,7%; năm 2013 khoảng 9,3% trong giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng này là do sự gia tăng về số lượng các cơ sở sản xuất tôn, xà gồ chứ hầu như không tăng về giá trị tăng thêm. Đó là một thực tế đáng buồn của ngành cơ khí tỉnh ta hiện nay.
Loay hoay tìm hướng đi
Theo đánh giá của Sở Công thương, trước đây, trên địa bàn tỉnh ta đã từng có những nhà máy cơ khí luyện kim, điển hình là Công ty Cơ điện một thời làm ăn rất hiệu quả, nhưng sau khi cổ phần hoá, Công ty này đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân chính là do sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường, thiếu vốn đầu tư công nghệ mới, thiếu nguồn lao động có chất lượng cao, quản lý yếu kém… dẫn đến việc buộc phải dừng sản xuất và hiện nay đang chờ giải thể.
|
Các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí đang hoạt động cũng gặp phải rất nhiều khó khăn do ngành nghề này đòi hỏi lượng vốn đầu tư ban đầu khá lớn, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận thấp, việc thu hồi vốn lâu, trong khi năng lực tài chính của các cơ sở trên địa bàn tỉnh đều yếu. Bên cạnh đó, trình độ của những người làm nghề trong lĩnh vực này hầu hết đều thấp, không được đào tạo bài bản mà thường là tự học nghề nên không đáp ứng những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao. Sản phẩm làm ra quá đơn giản và đơn điệu, trong khi các công trình, nhà máy ngày càng đòi hỏi các loại hàng hoá phức tạp, có mức độ tinh xảo cao nên khó đáp ứng được … Chính vì thế, bài toán về cạnh tranh, tồn tại và phát triển luôn là một thách thức lớn.
Cơ sở gia công cơ khí của anh Nguyễn Văn Thiệu tại làng nghề H’nor (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) là một ví dụ. Anh Thiệu chia sẻ: Cơ sở của tôi chỉ có thể nhận gia công các loại khung, xà gồ cỡ nhỏ phục vụ cho các công trình xây dựng. Một phần do máy móc, thiết bị hạn chế, một phần do trình độ tay nghề của thợ thấp, vốn liếng ít nên nhiều khi có những đơn hàng lớn cũng đành chịu. Vì thế khối lượng công việc cũng ít, vào mùa khô, cơ sở còn đủ công việc cho 4 – 5 anh em thợ thuyền làm chứ vào mùa mưa thì rất khó.
Đó là nỗi niềm chung của nhiều cơ sở gia công cơ khí hiện nay. Cũng theo ông Võ Xuân Sơn, việc tìm hướng đi cho ngành cơ khí thực sự là một bài toán khó với cả ngành chức năng và các địa phương. Ngành Công thương chỉ định hướng được cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chế tạo, gia công một số phần đơn giản trong nhóm sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy gặt, máy bơm nước, hình thành hệ thống dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc… Những mặt hàng này không chỉ phù hợp với với năng lực thực tế của các cơ sở trên địa bàn tỉnh mà nhu cầu của thị trường cũng khá cao, góp phần vào việc cơ giới hoá nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cũng cố gắng tranh thủ các nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí giúp tháo gỡ một phần khó khăn về tài chính, tạo động lực đổi mới thiết bị máy móc… Còn việc duy trì và phát triển chủ yếu vẫn phải do các cơ sở tự vận động.
Thiết nghĩ, để nghề cơ khí tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết một bộ phận lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, các cấp, các ngành cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp, cơ sở cơ khí cũng cần nâng cao nhận thức về phát triển thị trường, tranh thủ nguồn vốn lãi suất thấp hiện nay để đầu tư nâng cao trình độ công nghệ đa dạng hoá sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường…
Thuỳ Hương