Khó khăn trong duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 42 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu; dự kiến đến cuối năm 2023 toàn tỉnh sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 48 xã. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 15,51 tiêu chí/xã.
Qua việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có sự khởi sắc, cuộc sống người dân có sự thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả kể trên, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM khá sớm; đáng lẽ, sau khi đạt chuẩn NTM, các địa phương phải từng bước xây dựng và đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhưng trên thực tế lại đang diễn ra “chiều hướng đi xuống”. Một số xã đã không duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã NTM.
|
Chẳng hạn như xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), năm 2014, xã này được công nhận đạt chuẩn NTM. Không thể phủ nhận, việc xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống người dân, bộ mặt nông thôn có sự khởi sắc với những con đường bê tông sạch đẹp, hệ thống điện lưới quốc gia được đầu tư hoàn chỉnh... Xã Đoàn Kết cũng đã đặt mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; nhưng sau nhiều năm, đến nay, vẫn chưa thể thực hiện được, bởi hiện tại, xã Đoàn Kết chỉ đạt 15/19 tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Tương tự, xã Hòa Bình cũng là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Thế nhưng, sau hơn 8 năm về đích NTM, xã Hòa Bình không những không nâng cao được chất lượng tiêu chí NTM mà số tiêu chí còn bị giảm đi khá nhiều. Hiện tại, xã Hòa Bình chỉ còn 12/19 tiêu chí NTM đạt chuẩn.
Năm 2015, xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) hoàn thành quá trình xây dựng và được công nhận đạt chuẩn xã NTM; nhưng hiện tại xã chỉ có 15/19 tiêu chí đạt chuẩn. Vì thế, đã 2 năm liên tiếp xã Tân Cảnh lỡ hẹn mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tiêu chí không duy trì đạt chuẩn được chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng cơ sở như giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn, quy hoạch và một vài “tiêu chí mềm” như thu nhập đầu người, tỷ lệ người tham gia BHYT, an ninh trật tự.
|
Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan là Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025 có thêm một số tiêu chí và tiêu chuẩn được nâng cao hơn như: Tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa tăng từ 70% lên 85%, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 tăng từ 70% lên 100% (trong đó có ít nhất 1 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) khiến nhiều xã đã đạt chuẩn không còn đảm bảo. Trong khi, nguồn lực đầu tư để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí khó khăn, chủ yếu dựa vào sự đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng các chương trình này lại tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn; nguồn nội lực thì hạn chế.
Song, thẳng thắn nhìn nhận, một số nơi, chính quyền địa phương và người dân có tư tưởng “xả hơi”, bằng lòng sau khi về đích NTM, chưa quan tâm đến giải pháp thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò, trách nhiệm trong xây dựng NTM còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước nên chưa phát huy hết nội lực trong xây dựng NTM.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp khẳng định, xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Công nhận đạt chuẩn NTM mới chỉ là mục tiêu ban đầu, các địa phương cần phải nỗ lực không ngừng để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững và tiến đến xây dựng xã NTM nâng cao. Đây trước hết là nhiệm vụ của chính quyền địa phương và vai trò của chủ thể- người dân trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, các xã phải xây dựng được kế hoạch, lộ trình để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Hàng năm chính quyền địa phương phải chỉ đạo rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí để có giải pháp thực hiện; đồng thời triển khai sâu rộng phong trào thi đua xây dựng NTM trong cộng đồng dân cư và tới từng người dân. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố trên địa bàn cần tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ và giám sát tình hình thực hiện tại cơ sở để kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, cũng như chủ động trong việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ cho xã thực hiện.
Có thể nói, để được công nhận đạt chuẩn xã NTM đã khó, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí càng khó khăn hơn trong điều kiện quy định và yêu cầu của Chương trình MTQG về xây dựng NTM ngày càng cao. Điều này, đòi hỏi nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền mỗi địa phương và sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân trong xây dựng NTM, có như vậy kết quả xây dựng nông thôn mới thật sự bền vững.
Thùy Hương