Khát vọng Mô Rai
Dù chưa có số liệu thống kê, nhưng chắc chắn rằng đã có rất nhiều bài báo viết về xã biên giới Mô Rai anh hùng, về chuyện những người lính trồng cao su trên vùng đất khó Mô Rai. Dù vậy, Mô Rai vẫn giữ nguyên được sức hút với bất cứ ai, bởi mỗi lần đến là lại thấy một Mô Rai khác, nghe về một Mô Rai mới...
"Mô Rai gọi, 78 trả lời"
Nói về khó khăn, gian khó ở Mô Rai, tôi phục lăn cái cách miêu tả của nhà báo Ngọc Dinh (Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh) trong những ngày đi thực tế tại đây. Anh viết thế này: Nắng, mặt trời như cái bếp lò, tỏa ra những quầng nắng hừng hực, mênh mang và chói chang. Mưa, bầu trời như cái túi nước nặng trĩu, đen thẫm, thỉnh thoảng lại vỡ, ào ạt tuôn nước xuống. Những khi không nắng không mưa thì oi nồng; quần áo mới giặt, khoác lên người, gió ào qua lại khô rang...
Còn nhớ, khi được tôi đọc cho nghe bài ký của anh, ông A Dói đã vỗ tay vào đùi: "Đúng quá. Cái nhà báo này giỏi, mới lên mà viết về Mô Rai đúng quá". Hôm ấy A Dói tổ chức mổ heo mừng nhà mới.
|
Nhưng điều làm tôi thích nhất khi đọc bài ký ấy là trong mỗi trang viết, anh đều khắc họa đậm nét về đất và người Mô Rai. Dù gian khó, nhưng luôn mang trong mình khát vọng vươn lên mãnh liệt.
Và rồi, tôi nhận ra, dù đã có rất nhiều bài báo viết về xã biên giới Mô Rai anh hùng, về chuyện những người lính trồng cao su trên vùng đất khó Mô Rai, nhưng Mô Rai vẫn giữ nguyên được sức hút với bất cứ ai, bởi mỗi lần đến là lại thấy một Mô Rai khác, nghe về một Mô Rai mới...
Có một câu mà A Dói luôn nhắc, bà con Mô Rai luôn nhắc rằng: Nếu không có cây cao su, thì hẳn rằng Mô Rai vẫn còn nghèo đói lắm. Mà ai là người đưa cây cao su về với Mô Rai? Bộ đội 78 chứ ai. Hồi ấy gian khó lắm- mắt A Dói như có khói...
Thế rồi, ký ức những năm tháng gian khó ùa về. Càng nghe, tôi càng cảm phục ý chí, nghị lực của những người đã đánh thức cả dải đất biên cương bằng màu xanh cao su bạt ngàn hôm nay. Chủ tịch xã Hrách Láo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15) Nguyễn Xuân Hiển đều có những kỷ niệm khó quên về những ngày gian nan ấy.
Vào một ngày tháng 3/1999, đoàn cán bộ khảo sát của Binh đoàn 15 đã đến thung lũng Mô Rai. Khi ấy, đại ngàn Mô Rai mịt mờ trong mưa, đất cứ nhão hết cả ra; những con đường mòn hun hút trong rừng, hiếm khi gặp bóng người. Giao thông chia cắt, vào không dễ mà ra thì càng khó.
Nhưng vượt qua tất cả, sau hơn một năm vật lộn với mưa rừng, gió núi và nắng lửa, hơn 379 ha đất hoang hóa, cằn cỗi đã phải chịu khuất phục trước bàn tay, khối óc người lính, những mầm cây cao su mơn mởn đâm chồi, vươn lên.
Mô Rai gọi, 78 đã đến!
Vươn lên tầm cao mới
Trồng được cây cao su ở Mô Rai khi đó là một kỳ tích, nhất là trong điều kiện thiếu vốn, thiếu cả nguồn nhân lực. Trong câu chuyện về một thời gian khó, người ta vẫn kể rằng, khi lân la đến các làng, người dân Mô Rai đều lắc đầu, xua tay: Ở Chư Mom Ray này, cây lạ không sống được đâu; rồi thú rừng cũng sẽ ăn hết nó mà thôi.
Ngày ấy, những câu hỏi cứ vấn vít trong đầu những người đi tiền trạm: Cây cao su có sống được trong điều kiện thời tiết, địa hình, thổ nhưỡng này không? Sống thì có cho nhựa không? Đưa người, phương tiện, máy móc vào thế nào?
Với chủ trương "đất mở đến đâu, công nhân có mặt ở đó", đơn vị vừa phát triển kinh tế, vừa tuyển quân, vận động đưa các hộ kinh tế mới từ các tỉnh miền núi phía bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... vào lập nghiệp- Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Hiển nhớ lại.
Sau thời gian miệt mài, đất rừng Mô Rai không phụ công người, đến năm 2005, hàng chục ha cao su đã cho thu hoạch những dòng "vàng trắng" đầu tiên. Niềm vui nối tiếp niềm vui, đến nay, sau 19 năm "bám đất", Công ty 78 đã trồng, chăm sóc được hơn 3.143 ha cây cao su, trong đó có 2.215 ha cây cao su kinh doanh, hình thành nên một hành lang xanh trên vùng biên giới, tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động.
Hôm nay, đến với Mô Rai, tôi luôn bị hút vào sự tưng bừng, sung sức của nhịp sống nơi biên cương. Như những mạch nguồn nhỏ góp về thành suối, thành sông, dòng nhựa trắng từng ngày nào thao thức, thấp thỏm, đón chờ nay đã và đang là nền tảng, động lực để vùng đất "đầu sông đầu suối" bứt phá, thoát nghèo bền vững.
Ngày trước, đưa một người, một cây cao su vào Mô Rai gian nan lắm, nay một vành đai xanh no ấm đã bao bọc Mô Rai. Ngày trước, thu hoạch nhựa xong chỉ xuất thô với giá rẻ, nay một nhà máy chế biến mủ cao su bề thế, hiện đại, công suất 5.000 tấn một năm, có tổng vốn đầu tư gần 130 tỷ đồng đã đi vào hoạt động.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, Trưởng phòng Kỹ thuật Nguyễn Quang Tuyến thuyết trình một cách tự hào rằng: Nhà máy nằm ở trung tâm vùng nguyên liệu với chiều dài bán kính bình quân 12 km, có hệ thống giao thông nội bộ nối liền các đội sản xuất, thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra cũng như vận chuyển mủ từ vườn cây về nhà máy...
Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Hiển, dự án đầu tư xây dựng nhà máy thể hiện quyết tâm và khát vọng của đơn vị trong việc vươn lên nắm giữ thế chủ động trong sản xuất kinh doanh. "Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ hạn chế thiệt hại về kinh tế do phải tiêu thụ mủ cao su nguyên liệu; hạn chế tối đa thất thoát, đa dạng hoá sản phẩm, tạo thương hiệu để tăng sức sức cạnh tranh trên thị trường cho đơn vị và địa phương"- anh Hiển cho biết.
Một trong những vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong quá trình sản xuất kinh doanh là bảo vệ môi trường. Theo anh Hiển, hiện đơn vị đã hoàn thành việc đầu tư, cải tạo, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đạt chuẩn A, có công suất 550m3/ngày đêm, kinh phí 22 tỷ đồng.
Rời Mô Rai, xe chúng tôi chạy trong mưa, băng qua những lô cao su xanh tốt, thỉnh thoảng lại vượt qua một chiếc xe chuyên dùng chở mủ cao su về nhà máy. Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Hiển rủ rỉ: Chúng tôi luôn ấp ủ khát vọng xây dựng "thương hiệu" mủ cao su cho Mô Rai. Và với sự đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, môi trường cao, chúng tôi đang và sẽ hiện thực hóa khát vọng ấy.
Xuyên qua một lô cao su rậm rạp cành lá, phía chân trời bỗng hừng sáng. Đại ngàn Mô Rai ngời lên trong ánh nắng khát vọng...!
Thành Hưng