Khan hiếm cát xây dựng: Nhà dân đội vốn, công trình lo chậm tiến độ
Cát xây dựng khan hiếm, giá bị đẩy lên cao - thực trạng này đang khiến cho các doanh nghiệp xây dựng cũng như người dân xây dựng nhà ở lo lắng… Giá cát tăng làm nhà dân đội thêm vốn; còn đơn vị xây dựng lo lắng công trình đình trệ bởi cát khan hiếm.
Mưa nhiều nhưng cát vẫn ít
Năm ngoái, cát xây dựng khan hiếm một phần nguyên nhân là do ngành chức năng siết chặt công tác quản lý, tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên “cát tặc” hết cửa lộng hành.
Năm nay, cát được đưa vào quản lý chặt chẽ để tăng nguồn thu cho ngân sách nên tỉnh cũng quan tâm cấp phép cho khá nhiều đơn vị, cá nhân được khai thác. Những tưởng điều đó sẽ không còn tình cảnh khan hiếm cát xây dựng, ấy vậy mà cát xây dựng vẫn hiếm, cho dù đã bắt đầu vào mùa mưa.
|
Tìm hiểu thực tế tại bãi cát của Công ty TNHH B.S đang khai thác cát trên sông Đăk Bla thuộc địa bàn xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) hồi trung tuần tháng 5 này, chúng tôi thấy đơn vị có 6 tàu hút thì chỉ có 2 tàu đang hoạt động bơm hút cát, còn 4 tàu khác không hoạt động. Công nhân cũng chỉ có chưa đầy 10 người.
Thấy chúng tôi thắc mắc, một người quản lý của đơn vị cho biết, không hiểu sao năm nay mưa cũng khá nhiều rồi nhưng cát về rất ít. Cũng tầm này năm ngoái, bãi cát của chúng tôi tập kết cát rất nhiều, nhưng nay thì các anh thấy đấy bãi cát trống trơn. Ngày trước một tàu hút chỉ khoảng 30 phút là đầy tàu (khoảng 10 khối), nhưng nay hút cả buổi cũng mới chỉ được nửa tàu, trong đó lượng bùn rác chiếm khoảng 20%.
Tương tự, cách đó khoảng hơn 1km, bãi cát của Công ty TNHH T.T cũng chẳng có là bao. Đơn vị này có 2 tàu hút cát nhưng cũng chỉ hoạt động 1 tàu.
Theo đại diện đơn vị này, trước đây mỗi tháng 1 tàu hút cũng được 100 khối cát thì nay chỉ được khoảng 30-40%. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, đơn vị chỉ hoạt động 1 tàu mà làm cầm chừng để giữ công nhân.
Những hệ lụy…
Chính việc cát xây dựng khan hiếm nên giá cát bị đẩy tăng cao. Tìm hiểu ngay tại bãi, mỗi đơn vị bán giá một kiểu, không giống nhau. Có đơn vị bán ở mức 170.000 đồng/m3 cát xây, nhưng cũng có đơn vị bán giá tới 220.000 đồng/m3 cát xây.
|
Giải thích điều này, các doanh nghiệp cho biết, vì chi phí cho việc hút cát cao nên buộc phải tăng giá. Trước đây, một tàu hút khoảng 30 phút là được 10 khối thì nay phải hút đến cả nửa ngày nên chi phí dầu tăng hơn nhiều so với trước.
Việc giá cát tăng đã khiến không ít người dân đang xây dựng nhà ở cũng như các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng. Công trình bị kéo dài thời gian xây dựng, chi phí cho vật liệu tăng và điều đương nhiên với việc tăng giá cát thì nhà sẽ đội vốn lên so với dự kiến ban đầu.
Tôi có anh chị đang xây nhà ở phường Duy Tân (thành phố Kon Tum), khởi công được hơn một tháng nay than thở vì “xui” xây dựng đúng thời điểm giá vật liệu đều tăng, đặc biệt là cát và sắt. Chỉ riêng xây móng và đổ cát nền đã ngốn của gia đình anh mất vài chục triệu.
Anh cho biết: Khi mới khởi công, giao tại chân công trình, giá cát xây dựng chỉ 220.000 đồng/m3 thì nay tăng thêm 20.000 đồng/m3. Trong khi đó, tầm này năm ngoái giá cát xây chỉ 130.000 đồng/m3. Giá cát năm nay tăng gần gấp đôi thì chỉ riêng phần cát không cũng phải đội thêm chi phí cả trăm triệu. Cát tăng vậy mà đôi khi còn không có cát. Có hôm chờ 2, 3 ngày mới mua được một xe.
“Thực sự mới đầu gia đình dự tính và chuẩn bị khoảng 2 tỷ nhưng với việc giá các loại vật liệu như cát, sắt tăng như thế này thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên khoảng ít nhất từ 10% đến 20% so với dự toán. Ngoài ra, với việc mua cát khó thế này thì chắc chắn sẽ phải kéo dài thời gian thi công. Thậm chí, có ngày thợ đến làm do không có cát nên đành về không thể làm được”- anh cho biết thêm.
Cát xây dựng khan hiếm không chỉ ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà của người dân, mà các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng ảnh hưởng. Cát hiếm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình và giá cát tăng cũng làm cho chi phí xây dựng tăng hơn.
Tìm hiểu tại một số đơn vị xây dựng công trình giao thông trên địa bàn, họ đều chung nỗi lo do thiếu cát xây dựng. Họ lo nhất là công trình đình trệ, khó hoàn thành đúng tiến độ.
Đơn cử như đơn vị đang thi công đường tránh thủy điện Plei Krông tại xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) đã gần nửa năm thi công nhưng tiến độ vẫn chưa được là bao. Bởi theo thiết kế, đường được tôn cao hơn so với đường Hồ Chí Minh hiện tại khoảng 1m nên cần một khối lượng lớn đất cát để làm nền đường nhưng do khan hiếm cát nên việc thi công cũng cầm chừng.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, đơn vị đang phải chạy khắp nơi trên địa bàn để mua cát phục vụ thi công công trình, đồng thời làm thủ tục xin cấp phép khai thác ngay trên dòng sông để phục vụ cho công trình...
Dư luận cho rằng một số đơn vị khai thác cát đã lợi dụng cát khan hiếm “ém hàng” để đẩy giá lên thu lợi cao. Điều này cần có sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc cát xây dựng khan hiếm đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân khi chi phí đội lên và công trình khó hoàn thành đúng tiến độ…
Văn Phương