Huyện Đăk Tô: Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, các cấp ủy đảng ở huyện Đăk Tô đã lãnh đạo đưa công tác tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân kịp thời. Qua đó, giải quyết cơ bản nguồn vốn phát triển kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân...
Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Tô - Trương Thị Linh thông tin: Với sự thường xuyên chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô, trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI, địa phương đã có hơn 10.310 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giảm hộ nghèo của huyện từ 17% (năm 2014) xuống còn 12% cuối 2018 và hộ cận nghèo còn 13,66%.
Cũng theo Phó Bí thư Huyện ủy - Trương Thị Linh, có được những kết quả trên, thời gian qua các cấp ủy đảng địa phương thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong đó, các xã có số hộ nghèo và cận nghèo được thường trực đảng ủy quan tâm chỉ đạo sâu sát chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tín dụng, tạo cơ hội tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời, hiệu quả. Việc tích cực triển khai công tác này còn giúp người dân vùng nông thôn, vùng khó khăn tránh được vấn nạn vay tín dụng đen.
Xã Tân Cảnh là một trong số những địa phương làm tốt công tác trên. Ông A Chiến - Bí thư Đảng ủy xã Tân Cảnh chia sẻ: Công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương đến mặt trận và các đoàn thể xã, các chi bộ thôn, làng; các đồng chí đảng ủy viên được phân công phụ trách khu dân cư tổ chức triển khai tốt các nội dung của Chỉ thị 40-CT/TW. Đảng ủy xã đã chỉ đạo cụ thể, UBND xã phải bám sát nội dung nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị - Ban đại diện Hội đồng quản trị và Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô để kịp thời kiện toàn Ban Giảm nghèo xã đảm bảo hoạt động hiệu quả; quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, đảm bảo an toàn các buổi giao dịch hàng tháng của ngân hàng tại trụ sở UBND xã...
Quá trình cho vay vốn, chính quyền địa phương còn cử cán bộ hỗ trợ nhân viên ngân hàng xác định đúng các đối tượng đủ điều kiện vay vốn; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay; hỗ trợ lồng ghép các mô hình, chương trình dự án phát triển kinh tế trên địa bàn với hoạt động cho vay vốn chính sách và giúp người vay phát huy nguồn vốn có được hiệu quả cao nhất.
Ông A Chiến cũng nhận xét, các tổ chức đoàn thể ở xã nhận ủy thác đã nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt công việc ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và UBND xã như hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn và tăng cường hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn đúng quy định.
“Qua theo dõi, các tổ chức đoàn thể ở xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, các hợp tác xã, tổ hợp tác lồng ghép, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm, cùng với hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho hộ nghèo, cận nghèo có nguồn vốn vay hợp lý... Từ đây, giúp bà con biết cách đầu tư, tổ chức kinh doanh phù hợp, nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Tôi thấy cách làm này rất hiệu quả, cần nhân rộng trong thời gian tới” - ông A Chiến nhấn mạnh thêm.
Điển hình hộ nghèo được quan tâm tiếp cận vốn chính sách, hướng đến thoát nghèo bền vững có hộ A Sai ở thôn 2, xã Tân Cảnh. Trò chuyện với khách, anh A Sai nhớ lại, năm 2010, vợ chồng ra riêng lập nghiệp với 1ha đất sản xuất của bố mẹ cho. Muốn làm kinh tế, nhưng không có vốn, A Sai bước đầu đi làm thuê cho người dân ở xung quanh vừa kiếm tiền công nuôi sống vợ con hàng ngày, đồng thời học kinh nghiệm người Kinh trồng, chăm sóc cây cà phê.
|
“Lúc đấy, cà phê được giá nên công lao động cao, trung bình 80-100 ngàn đồng/ngày. Hai vợ chồng chăm chỉ làm cũng được 40 công/tháng, mang về tổng thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, hàng tháng, tôi sử dụng một nửa cho sinh hoạt gia đình, phần còn lại dành dụm mua cây cà phê giống đầu tư trên 1ha đất sản xuất của gia đình” - anh A Sai bộc bạch.
Lúc này, khó khăn nhất của vợ chồng anh là đang ở nhà tạm. Gia đình mong muốn được vay vốn xây nhà ở tại thôn 2. Biết được hoàn cảnh của anh, Ban quản lý thôn đã xem xét, đề xuất UBND xã tạo điều kiện cho gia đình A Sai vay vốn làm nhà ở mới theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2012, từ vốn vay 8 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô, cộng với nguồn tích cóp của vợ chồng được 32 triệu đồng, vợ chồng đã xây nhà mới với diện tích 60m2.
Có nhà mới ở ổn định, vợ chồng anh càng chăm chỉ làm kinh tế, đến cuối 2014 đã trả hết khoản nợ trên. Đầu năm 2015, gia đình được tạo điều kiện vay mới 20 triệu đồng để mua phân bón, mua máy cắt cỏ và trả công thuê người có kinh nghiệm tỉa cành cho cây cà phê đúng kỹ thuật nhằm tạo cho cây có thế, phát triển tốt để tăng năng suất.
Không phụ sự đầu tư của anh, vụ thu hoạch cà phê năm 2015 được 2 tấn cà phê nhân, bán đi thu về gần 300 triệu đồng. Số tiền này đã giúp anh trả hết nợ ngân hàng, ngoài ra còn mua thêm 1 máy cày và mua thêm 0,5ha đất sản xuất liền kề đất rẫy của gia đình. Đến năm 2016, gia đình A Sai thoát nghèo và hiện tại là hộ khá ở thôn 2.
“Ở xã Tân Cảnh, tính từ năm 2014 đến tháng 6/2019, tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách gần 77 tỷ đồng với 2.460 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được giải ngân vốn để hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Hầu hết các hộ sử dụng vốn vay hiệu quả, có điều kiện trả nợ; nợ quá hạn trên địa bàn chiếm tỷ lệ dưới 0,03% so với tổng dư nợ. Nhờ vậy, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo địa phương từ 8,7% (năm 2014) xuống 4,61% cuối năm 2018” - ông A Chiến nói thêm.
Nhận xét về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, Phó Bí thư Huyện ủy - Trương Thị Linh khẳng định: Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô đã phối hợp tốt cùng các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đúng quy định. Hiện tại, toàn huyện có 6.018 hộ vay vốn với nguồn vốn đã giải ngân 273 tỷ đồng.
Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy đề nghị, thời gian đến, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh và Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục quan tâm tăng các nguồn vốn và hoạt động tín dụng chính sách đa dạng hơn về vốn vay, đối tượng chính sách. Chẳng hạn như nâng thời gian vay vốn từ 3 năm lên 5 năm đối với cho vay vốn hộ mới thoát nghèo để hướng đến thoát nghèo bền vững; bổ sung vốn tín dụng và mở rộng đối tượng cho vay khác (ngoài hộ nghèo, cận nghèo) ở các xã đã đạt xã nông thôn mới, bởi lẽ nhu cầu vốn phát triển sản xuất chăn nuôi rất lớn đang hình thành nơi đây; mặt khác nâng mức cho vay vốn giải quyết việc làm, vay hộ kinh doanh vùng khó khăn từ 50 triệu đồng tăng lên 100 triệu đồng với thời hạn vay tối đa 60 - 120 tháng…
Mai Trâm