Hội thảo khoa học về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”
Sáng 20/9, tại huyện Kon Rẫy, Liên hiệp các Hội khoa học- Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên- Môi trường và UBND huyện Kon Rẫy tổ chức Hội thảo khoa học về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” trên địa bàn tỉnh.
|
Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
|
Chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” là hướng đi tất yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ giới hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và doanh nghiệp. Từ đó, chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên đất. Xây dựng “cánh đồng lớn” giúp nâng cao được chất lượng, giá bán nông sản, đầu tư sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; giúp nông dân nâng cao trình độ thâm canh, giảm được tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, tưới nước hợp lý nhằm giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Thực hiện chủ trương này, ngày 17/2/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 366-KL/TU về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng“cánh đồng lớn”. Ngày 13/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 176/QĐ-UBND về việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện dồn đổi, tích tụ được 394ha để xây dựng “cánh đồng lớn” với 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia. Việc tập trung, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh được người dân và doanh nghiệp đồng thuận. Nhờ vậy, đất sản xuất nông nghiệp bớt nhỏ lẻ, manh mún, mô hình cánh đồng mẫu lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai ở nhiều địa phương đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc như việc tích tụ đất đai chỉ dừng lại ở liên kết sản xuất, chưa thực hiện được quy hoạch, chưa tạo thành vùng đất liên hoàn, thửa lớn; người dẫn còn có tâm lý sợ mất quyền sử dụng đất nên chưa chủ động phối hợp tham gia...
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được và tồn tại, vướng mắc đặt ra từ thực tiễn; đồng thời, đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng ngày càng hiệu quả, bền vững.
Hội thảo chính là dịp để các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các hộ dân có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với sản xuất nông nghiệp trình bày quan điểm, kiến nghị xung quanh quan niệm, phương thức về tích tụ, tập trung ruộng đất; khung thể chế cho vấn đề này và những mô hình, cách làm phù hợp với cả nước nói chúng và tỉnh ta nói riêng.
|
Sau Hội thảo, các đại biểu tham quan cánh đồng mẫu lớn trồng lúa ST24 tại thôn 3, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy).
Thùy Hương