Hội thảo khoa học đánh giá kết quả mô hình trồng thử nghiệm một số giống nghệ tại Kon Tum
Ngày 24/5, tại Làng thanh niên lập nghiệp ở huyện Ia H’Drai, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình trồng thử nghiệm một số giống nghệ (Curcuma longa) ở Kon Tum.
Tham dự có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học, Công ty Techbifarm và Tổng đội Thanh niên xung phong Kon Tum.
Theo tiến sĩ Dương Ngọc Tú - Viện Hóa học, chủ nhiệm đề tài, trong quá trình thực hiện, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, điều tra khảo sát hiện trạng, lựa chọn địa điểm để triển khai thực hiện mô hình dự án.
Nhóm thực hiện đề tài đã triển khai xây dựng mô hình 2ha nghệ trồng tại xã Kroong thành phố Kon Tum và tại Làng thanh niên lập nghiệp, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai.
Qua xác định cụ thể khả năng thích nghi và đánh giá hàm lượng curcumin của các giống nghệ thì các kết quả phân tích cho thấy, mẫu đất bồi tại xã Kroong và mẫu đất đồi tại Làng thanh niên lập nghiệp phù hợp để trồng nghệ.
Các giống nghệ trồng thử nghiệm như các mẫu nghệ VH (Viện Hóa học) và giống nghệ bản địa trên hai loại đất khác nhau tại hai địa điểm trên, kết quả cho thấy các giống nghệ trồng thử nghiệm đều thích nghi tốt với điều kiện tại tỉnh.
Hàm lượng curcumin trong mẫu nghệ bản địa trồng tháng thứ 10 là 3%, trong khi các mẫu giống nghệ của Viện Hóa học là 2,8% và xấp xỉ 2,8%.
Hiệu quả kinh tế của giống nghệ vàng bản địa được dự báo là cao gấp từ 6-7 lần so với trồng lúa. Do đó, nhóm thực hiện đề tài đặt mục tiêu đưa cây nghệ trở thành cây trồng chính tại Kon Tum, nhằm tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho thanh niên và người nông dân địa phương.
|
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, quản lý, đại diện doanh nghiệp đã tập trung thảo luận đánh giá thực trạng trồng và phát triển cây nghệ, cho rằng Kon Tum có tiềm năng lớn để phát triển các loại cây dược liệu, trong đó có cây nghệ.
Các ý kiến cũng đề xuất xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển dược liệu của tỉnh Kon Tum đến năm 2025 với diện tích 1.000ha; đồng thời đề xuất với tỉnh về quy hoạch các vùng trọng điểm để bảo tồn, phát triển cây nghệ bản địa; thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng trồng nguyên liệu cây nghệ tại Kon Tum.
Tin, ảnh: LS