Hoạt động khai thác đá tại thôn 4, xã Hòa Bình: Hồ sơ, thủ tục đảm bảo các quy định của pháp luật
Là khẳng định của ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại buổi làm việc với các cơ quan thông tấn báo chí sáng 10/8 về những thông tin liên quan đến hoạt động của mỏ đá này...
|
Trước đó, tháng 5/2018, trên một số trang báo mạng đăng tải thông tin UBND tỉnh Kon Tum cấp đất rừng cho doanh nghiệp làm mỏ đá tại xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum), tàn phá rừng nguyên sinh, không đúng với tinh thần Thông báo 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi có thông tin về việc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành có liên quan lập Đoàn kiểm tra liên ngành khẩn trương kiểm tra, làm rõ.
Kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2006, Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum được UBND tỉnh Kon Tum cho phép khai thác đá xây dựng tại mỏ đá tại thôn 4, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum (Giấy phép khai thác khoáng sản số 1100/GP-UBND), với diện tích 1,5 ha, thời hạn khai thác 12 tháng.
Tháng 11/2010, UBND tỉnh chấp thuận (Quyết định số 1348/QĐ-UBND) cho doanh nghiệp được thăm dò, cấp phép để tiếp tục khai thác tại mỏ đá nêu trên với tổng diện tích 4,15 ha, trong đó diện tích mỏ cũ đã khai thác 1,5 ha, diện tích phần mở rộng mới 2,65 ha (2,49 ha đất có rừng trồng keo tràm; 0,16 ha đất không có rừng) thuộc đất rừng sản xuất.
Điểm mỏ này nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015 xét đến năm 2020 (nay là Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030); không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản.
Ngày 31/5/2017, Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum và Công ty TNHH MTV Xuân Thành Gia Lai làm đơn và lập hồ sơ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản nói trên. Việc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ giữa 2 bên là phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản. Hiện Công ty TNHH MTV Xuân Thành Gia Lai đang khai thác trong phạm vi 1,27 ha, diện tích còn lại chưa khai thác khoảng 2,88 ha.
Toàn bộ diện tích đất ở mỏ đá đều đã được UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định (số 128/QĐ-UBND ngày 01/3/2013) thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho doanh nghiệp thuê đất để khai thác khoáng sản trước thời điểm Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy nội dung phản ánh của một số trang báo mạng về hoạt động của mỏ đá tại thôn 4, xã Hòa Bình là chưa chính xác. Quá trình cấp phép khai thác, cũng như chuyển nhượng quyền khai thác, tiến hành khai thác đều không có sai phạm, tuân thủ các quy định của pháp luật- ông Phạm Đức Hạnh khẳng định.
Sau khi giải đáp một số câu hỏi của phóng viên xung quanh vấn đề lập hồ sơ, thủ tục của điểm mỏ, về tính pháp lý trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng..., ông Phạm Đức Hạnh cho biết, trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp phép khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có)...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm trong khai thác khoáng sản, ông Phạm Đức Hạnh đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp chấp hành đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật; đưa tin trung thực, khách quan; tham gia giám sát, phản ánh việc cấp phép khai thác khoáng sản, bảo đảm đúng quy định của pháp luật...
Tin, ảnh: Lê Hải