Hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP
Để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần 2 năm 2022, hiện nay, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum đang tích cực phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương hỗ trợ các chủ thể hoàn thành hồ sơ thủ tục tham gia chương trình và phát triển, tiêu thụ các sản phẩm.
Năm 2022, thành phố Kon Tum có 50 ý tưởng, sản phẩm của 24 chủ thể là các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp đến từ địa bàn các xã, phường đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Các ý tưởng, sản phẩm của các chủ thể thuộc các nhóm: Chế biến từ rau, củ, quả, hạt; đồ uống có cồn khác; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền.
Ngay sau đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần 1 năm 2022 kết thúc (thành phố Kon Tum có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao), Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum tiếp tục phối hợp với các đơn vị, xã, phường liên quan rà soát danh sách đăng ký các ý tưởng, sản phẩm tham gia chương trình và đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần 2 năm 2022 để tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thành thủ tục, hồ sơ tham gia Chương trình. Trọng tâm là các yêu cầu bắt buộc, như phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm, giới thiệu bộ máy tổ chức, giấy phép đăng ký kinh doanh, sản phẩm mẫu hay các yêu cầu tài liệu chứng minh bổ sung, như phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố, chứng nhận sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, câu chuyện sản phẩm, phát triển thị trường, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
|
Theo Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, đến thời điểm này, thành phố có 16 sản phẩm của 9 chủ thể đăng ký tham gia đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần 2 năm 2022. Các sản phẩm có sự đa dạng về hình thức, mẫu mã bao bì và chất lượng, đã được tiêu thụ và bán trên thị trường.
Bà Đinh Thị Mỹ Linh- Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết, bên cạnh các chủ thể được UBND các xã, phường giới thiệu còn có một số chủ thể tự liên hệ với Phòng kinh tế thành phố để đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Điều này chứng tỏ, nhận thức trong cộng đồng, xã hội về Chương trình OCOP đang ngày một nâng lên và các chủ thể đã chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia Chương trình.
“Phòng Kinh tế thành phố đã liên hệ và gặp gỡ các chủ thể để nắm bắt và tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, hướng dẫn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tham gia Chương trình và đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần 2 này” - bà Đinh Thị Mỹ Linh chia sẻ.
Qua nắm bắt từ các chủ thể, hiện nay, một số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần 2 năm 2022 của thành phố Kon Tum đang còn thiếu giấy phép đăng ký kinh doanh, phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố hay giấy xác nhận về kế hoạch bảo vệ môi trường. Phòng Kinh tế thành phố đang phối hợp UBND các xã, phường triển khai hướng dẫn chủ thể thực hiện và hoàn thành các thủ tục, giấy tờ còn thiếu này.
Ông Nguyễn Văn Thiệu- Giám đốc hợp tác xã Thành Đạt ở xã Đăk Năng, chủ thể đăng ký 2 sản phẩm là cá cơm khô được đánh bắt ở lòng hồ thủy điện Ia Ly và yến sào thô do người dân trên địa bàn xã nuôi. Ông cho hay, lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ nhưng được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, đến nay, hồ sơ các sản phẩm của hợp tác xã đã gần như đầy đủ. “Hiện tại, sản phẩm cá cơm khô của hợp tác xã đã hoàn thành hồ sơ tham gia Chương trình, đối với sản phẩm còn lại, chúng tôi còn thiếu phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố. Thông qua hướng dẫn của UBND xã, chúng tôi chuẩn bị gửi mẫu sản phẩm kiểm tra”- ông Thiệu nói.
Ông Tô Thanh Hùng- trú tại phường Quyết Thắng, chủ thể của sản phẩm bún tươi, bán tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum hơn 20 năm nay cho hay, UBND phường Quyết Thắng đang hỗ trợ ông hoàn thành phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố và giấy xác nhận về kế hoạch bảo vệ, chứng minh cam kết và đánh giá tác động môi trường.
“Tôi mong muốn sản phẩm bún tươi được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh để tiếp tục tiêu thụ rộng rãi trên thị trường và các thế hệ con, cháu có động lực để gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của gia đình”- ông Hùng chia sẻ.
Bà Triệu Thị Linh, trú tại phường Lê Lợi, đại diện Công ty TNHH Ứng dụng CNC Hoàng Linh Sơn Tu Mơ Rông, chủ thể của sản phẩm nước giải khát đẳng sâm hiệu Ngọc Sâm cho biết, ngoài hỗ trợ về mặt thủ tục, hồ sơ, bà mong muốn các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường, tiêu thụ các sản phẩm.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, đơn vị đã và đang triển khai thông báo, hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm, hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu, phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp, đôn đốc UBND các xã, phường triển khai hỗ trợ các chủ thể hoàn thành các thủ tục, hồ sơ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút ngày càng nhiều chủ thể phát triển các ý tưởng, sản phẩm có chất lượng đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Đức Thành