Hiệu quả từ mô hình trồng bí Nhật ở Kon Plông
Được triển khai trồng thử nghiệm vào tháng 4/2019 và ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 7/2019 đã cho kết quả ngoài mong đợi, mô hình trồng bí Nhật (giống Kurimaru) trong nhà màng của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông được đánh giá là một trong những mô hình xuất nông nghiệp có hiệu quả tại địa phương. Từ 3 hộ tham gia vụ đầu, đến vụ gieo trồng thứ 2, số hộ tham gia mô hình đã tăng lên 16.
Ông Lê Tấn Hiển - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và xây dựng mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tháng 4/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, UBND thị trấn Măng Đen, UBND xã Măng Cành cùng Công ty TNHH Đông Phương triển khai thực hiện mô hình thí điểm trồng cây bí Nhật (giống Kurimaru) trong nhà màng tại 3 hộ dân (1 hộ ở thị trấn Măng Đen, 2 hộ ở xã Măng Cành) trên tổng diện tích 900m2.
Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND thị trấn Măng Đen và UBND xã Măng Cành hỗ trợ 4.500 hạt giống, 405kg phân bón lót, 195kg phân bón thúc, 6kg thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nhà màng (màng phủ, bạt phủ, đinh kẽm, sợi nông nghiệp, kẹp…), hệ thống tưới nước nhỏ giọt và giúp các hộ dân làm đất; đồng thời cử cán bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng, che phủ, chăm sóc…
|
Khi triển khai mô hình trồng bí Nhật, từ khâu xuống giống, đến chăm sóc trong quá trình sinh trưởng và phát triển…, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên cử cán bộ xuống hướng dẫn các hộ dân quy trình kỹ thuật một cách kỹ lưỡng, tận tình theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Vì vậy, cây bí Nhật ở vườn của các hộ dân tham gia mô hình phát triển tốt, cây lớn nhanh, lá to xanh đậm và cho thu hoạch năng suất khá cao. Vụ mùa đầu tiên, các hộ thu hoạch được 1.842 quả (1.852kg) và được Công ty TNHH Đông Phương thu mua với giá hơn 12.000/kg.
Anh A Niu (thôn Kon Chênh, xã Măng Cành), 1 trong 3 hộ tham gia trồng bí Nhật cho hay, tham gia mô hình trồng bí Nhật, gia đình anh được Nhà nước và các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn tận tình. Nhờ vậy, tỷ lệ nảy mầm tại vườn bí Nhật của nhà anh đạt 96%. Sau gần 45 ngày xuống giống, cây bí Nhật ra hoa đồng loạt. Tỷ lệ đậu quả tốt, thu hoạch được 647 quả, có quả đạt khối lượng gần 3kg, tổng khối lượng quả 728kg, bán thu được hơn 8,7 triệu đồng.
Ông Trần Văn Nết - Chủ tịch UBND xã Măng Cành chia sẻ, xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện dự án thí điểm trồng cây bí Nhật, từ lúc bắt đầu dựng nhà màng đến lúc thu hoạch, 2 hộ A Niu (thôn Kon Chênh) và A Diu (thôn Kon Tu Rằng) luôn thực hiện đúng hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan. Tham gia mô hình, bà con ở địa phương không chỉ có thêm kiến thức, kinh nghiệm về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tiếp cận được giống cây mới, mà còn có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần thoát nghèo bền vững.
|
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, mô hình trồng bí Nhật trong nhà màng còn khá mới mẻ, vụ đầu trồng thí điểm các hộ dân tham gia mô hình còn nhiều bỡ ngỡ trong kỹ thuật trồng, chăm sóc và thụ phấn. Tuy nhiên, nhờ cần cù, chịu khó và thực hiện đúng kỹ thuật được hướng dẫn, nên quả bí Nhật đạt chất lượng về màu sắc, độ ngọt và bảo đảm được các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Từ thành công ban đầu, tháng 8/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông phối hợp với UBND các xã Măng Cành, Pờ Ê, Đăk Tăng, thị trấn Măng Đen cùng các đơn vị liên quan tiếp tục nhân rộng mô hình trồng bí Nhật với sự tham gia của 16 hộ dân trên tổng diện tích 4.800m2.
“Để vụ trồng cây bí Nhật thứ 2 đạt hiệu quả cao, UBND các xã, thị trấn bố trí, sắp xếp cho các hộ dân mới tham gia dựng nhà màng gần với nhà màng của các hộ trồng bí Nhật vụ đầu tiên để bà con thuận lợi trong việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với doanh nghiệp thu mua về vấn đề bao tiêu sản phẩm. Trong những năm tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện cấp kinh phí để nhân rộng mô hình này cho các hộ dân trên địa bàn, coi đây là một trong những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững” - ông Lê Tấn Hiển cho biết thêm.
Đức Thành