Hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình 135 ở Đăk Glei
Từ nguồn Chương trình 135 hỗ trợ đã giúp huyện Đăk Glei có nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng; người dân được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.
So với 10 năm trước, huyện Đăk Glei đã có những đổi thay tích cực về điều kiện kinh tế-xã hội, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân được đầu tư xây dựng; sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng tích cực, mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên...
Có được đổi thay đó, một phần là do chính quyền địa phương biết cách lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách của Nhà nước đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS (trong đó có Chương trình 135); một phần, nhờ sự nỗ lực vươn lên của người dân, với mong muốn đẩy lùi cái đói, cái nghèo cứ đeo bám họ mãi bao đời nay.
Chia sẻ với chúng tôi, ông A Miên (làng Mới, xã Mường Hoong) vui mừng cho biết: Hơn 10 năm nay, nhờ có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là trung tâm cụm xã Mường Hoong-Ngọc Linh được xây dựng tại đây nên có đầy đủ các công trình như nhà văn hóa, trường học, trạm xá, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, các con đường đi lại trong làng đều được rải nhựa và bê tông hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con làm ăn, sinh sống.
|
Chị Y Hết (thôn Bê Rê, xã Đăk Choong) cho hay: Nhiều năm qua, nguồn vốn Chương trình 135 đã góp phần hỗ trợ hộ nghèo các loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở địa phương này, mình thấy trồng cây cà phê là hiệu quả nhất.
Ông A Tùng - Thôn trưởng thôn Đăk Wâk (xã Đăk Kroong) bộc bạch: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, bà con nhân dân trong thôn có điều kiện để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập. Đến nay, bà con trong thôn đã trồng được 14 ha lúa nước 2 vụ, 192 ha cao su, 6 ha cà phê, 156 ha cây bời lời, 220 ha mì, chăn nuôi trên 60 con trâu, bò. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hộ nghèo giảm còn dưới 20%.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Sum - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho hay: Thời gian qua, lãnh đạo Huyện ủy-UBND huyện xác định, để phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, huyện tập trung nguồn vốn từ Chương trình 135 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn làng đặc biệt khó khăn. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ người dân về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Đây là hướng đi đúng nên nguồn vốn đầu tư đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.
Từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn vốn từ Chương trình 135, huyện Đăk Glei đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân. Chỉ riêng năm 2018, huyện được phân bổ gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ các loại giống cây dược liệu như giống cây sâm Ngọc Linh, sâm dây; con giống trâu, bò, lợn, vật tư phân bón, máy móc, công cụ phục vụ sản xuất... cho 275 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cùng với đó, chính quyền huyện Đăk Glei và ngành chức năng còn lồng ghép nhiều nguồn vốn khác từ các chương trình, chính sách, dự án để triển khai thực hiện hỗ trợ cho người dân. Qua đó, tạo cơ hội để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Mặt khác, huyện Đăk Glei chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như thủy lợi, đường giao thông đi vào khu sản xuất. Nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân, nhất là các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Đối với những thôn làng điều kiện kinh tế còn khó khăn, huyện chú trọng đầu tư mở đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa. Từ năm 2016 đến nay, huyện đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, điện thắp sáng...
Đơn cử như trong năm 2018, thực hiện chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Đăk Glei đã lựa chọn ưu tiên đầu tư xây dựng mới 9 công trình với tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng, bao gồm 1 công trình giao thông gần 2 tỷ đồng; 2 công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, mỗi công trình hơn 700 triệu đồng; 1 công trình cầu treo hơn 500 triệu đồng và duy tu sửa chữa 14 công trình khác. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…
“Từ nguồn Chương trình 135 hỗ trợ đã giúp huyện Đăk Glei có nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng; người dân được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương” - ông Đỗ Sum, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei khẳng định.
Cao Cường