Hà Mòn xây dựng thương hiệu gà vườn
Chúng tôi đến xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) thăm những trang trại chăn nuôi gà thả vườn của người dân nơi đây, mới thấy tiềm năng phát triển kinh tế của việc nuôi gà thả vườn đối với người nông dân chuyên sản xuất cây cà phê. Xã Hà Mòn quyết tâm xây dựng thành thương hiệu “Gà vườn Hà Mòn” để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Làm giàu từ nuôi gà vườn
Theo chân ông Đinh Thế Cường - cán bộ phụ trách Địa chính và Xây dựng của xã Hà Mòn, chúng tôi đến thăm gia đình chị Võ Thị Hoa 65 tuổi, trú tại thôn Hải Nguyên của xã.
Bà Hoa cho biết: Gà nuôi thả vườn ở đây có từ lâu rồi. Kể từ ngày tôi rời quê Hà Tĩnh vào Kon Tum lập nghiệp và gắn bó với cây cà phê ở đây đã trên 22 năm. Những năm đầu còn sức khỏe, gia đình tôi tập trung chăm sóc cây cà phê và trồng thêm các loại nông sản khác như: mì, bắp, đậu đỗ các loại... nhưng không quên nuôi gà thả vườn theo truyền thống của ông cha mình. Gần 10 năm nay khi tuổi đã già, tôi tập trung chăn nuôi gà thả vườn nhiều hơn, quy củ hơn và năng suất hơn.
Vườn nhà bà Hoa rộng khoảng vài sào, rào giậu bằng lưới thép B40, cây cà phê cao to và xanh mướt phủ bóng mát khắp vườn. Đàn gà được thả vào ăn trong đó thì no nê, mát mẻ, nên con nào con nấy béo khỏe. Thường bà nuôi từ 25-30 gà mái đẻ với giống gà tại chỗ của địa phương, vừa để lấy trứng, vừa để ấp lấy gà con. Mỗi lứa bà nuôi bình quân 200 con và sau khoảng 6 tháng mỗi con nặng từ 2,5-3kg bà mới xuất chuồng. Thức ăn cho gà chủ yếu là bắp, lúa, chuối cây và các loại rau vườn xắt nhỏ ủ lên men trộn vào nhau. Do ở gần sông hồ, nên lâu lâu bà mua thêm cá long tong cho gà ăn, nên gà nhanh lớn. Nhờ gà thả vườn được chạy nhảy tung tăng và ăn các loại thức ăn từ nông nghiệp, côn trùng trong đất dưới các gốc cà phê, nên khi ăn thì khoái khẩu với “da giòn, thịt dai”.
Bà Hoa cho biết thêm: Muốn nuôi gà thả vườn có lãi thì phải biết áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho gà theo truyền thống của ông cha mình để lại. Bí quyết của gia đình là trong quá trình nuôi cần thường xuyên cho gà uống nước tỏi, lá ổi… để gà có sức đề kháng từ nhỏ. Đặc biệt, nuôi gà sau 2 năm, là phải thay đổi toàn bộ gà mẹ để tránh việc gà cùng huyết thống sẽ yếu sức đề kháng gây chậm lớn và chết yểu, đồng thời vệ sinh toàn bộ chuồng trại bằng cách khử trùng vôi, phơi nắng ít nhất trong một tuần, sau đó mới nuôi lại lứa mới. Trên 10 năm nay, bà không khi nào dùng thuốc thú y để phòng bệnh, nhưng đàn gà của bà chưa bao giờ bị dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi năm bà thu lãi khoảng từ 40-50 triệu đồng.
|
Còn bà Lê Thị Gấm 55 tuổi, trú tại thôn 4, xã Hà Mòn tâm sự: Mặc dù nuôi gà không nhiều, nhưng tôi thường xuyên tham khảo thêm sách báo, ti vi và nhờ đến cả bác sĩ thú y ở tận thành phố Kon Tum hướng dẫn qua điện thoại để chăm sóc cho đàn gà của gia đình, nên gà thả vườn của nhà không bị dịch bệnh hoặc không bị còi cọc. Tận dụng các thức ăn sẵn có trong nhà như: thân chuối, cơm thừa, các loại rau và mua thêm cám gạo, bắp xay… để cho gà ăn, nên mỗi năm gia đình nuôi từ 3-4 lứa, mỗi lứa nuôi 150 con, khoảng từ 3-4 tháng là xuất chuồng, bình quân trên 2kg/con và có lãi từ 50-60 triệu đồng/năm.
Xây dựng thương hiệu “Gà vườn Hà Mòn”
Hiện nay, toàn xã có 1.210 hộ, trong đó có 465 hộ nuôi gà thả vườn với gần 18 ngàn con và đã có trên 90 hộ nuôi từ 40-300 con gà. Nhìn chung, do đàn gà thả trong vườn nhà được chạy nhảy, bươi cào tìm ăn các loại côn trùng trong đất, nên đàn gà phát triển tốt, ít khi bị dịch bệnh. Người dân nuôi gà thả vườn thường tận dụng được thức ăn của các loại nông sản bỏ ra, nên kinh phí đầu tư thấp.
Mặc dù mới triển khai nuôi gà thả vườn trong vòng một năm nay, nhưng đã xuất hiện nhiều gia đình có số lượng nuôi gà lớn và áp dụng khoa học - kỹ thuật chăn nuôi rất bài bản. Điều đó chứng tỏ, nhận thức của người dân đã có bước chuyển biến đáng kể trong việc lựa chọn hàng hóa mang tính đặc trưng của từng vùng đất để khơi dậy tiềm năng sẵn có, đồng thời xây dựng thương hiệu mang tính ổn định.
Ông Nguyễn Thái Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn phân tích: Để quản lý chất lượng sản phẩm gà thả vườn, đàn gà giống được chọn lọc kỹ lưỡng. Gà bố mẹ phải có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt gà có hương vị thơm ngon như gà ri lai và gà mía lai được nhân giống tại địa phương. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các địa điểm nuôi gà thả vườn thực hiện theo quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học, không sử dụng cám công nghiệp, các loại chất cấm để khi xuất gà chất lượng đảm bảo gà sạch, đạt yêu cầu sản phẩm đặc trưng của xã.
UBND xã khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phát triển đàn gà theo hình thức thả vườn gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời tuyên truyền, phổ biến quy trình, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi gà, thực hiện mô hình chăn nuôi "Gà vườn Hà Mòn". Đặc biệt, kiện toàn Ban Thú y xã để đảm bảo cho công tác quản lý, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, tổ liên gia về quy trình chuồng trại, chất lượng giống, cách chăn nuôi, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh… nhằm phát triển gà thả vườn trở thành thương hiệu đặc trưng của xã.
Trước mắt, UBND xã vận động các hộ chăn nuôi có đất vườn, đồi và các loại đất khác phù hợp với chăn nuôi gà để tham gia chăn nuôi gà thả vườn, hoặc hình thành tổ hợp tác, tổ liên gia cùng nhau phát triển chăn nuôi gà. Các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra khuyến cáo hướng dẫn các hộ chăn nuôi không được sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn khoa học, kỹ thuật và biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho các hộ chăn nuôi. UBND xã thành lập website giới thiệu sản phẩm "Gà vườn Hà Mòn" để quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất kinh doanh được vay vốn với lãi suất thấp và tiếp cận ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chăn nuôi gà theo hướng hiện đại.
Ông Nguyễn Thái Lâm cho biết thêm: Kế hoạch phát triển chăn nuôi gà thả vườn của xã bắt đầu theo lộ trình kể từ năm 2017, đây là năm đầu tiên UBND xã đăng ký sản phẩm đặc trưng "Gà vườn Hà Mòn" và tiến hành rà soát, tổng hợp số hộ gia đình, khu vực chăn nuôi gà theo hình thức thả vườn hiện có. Năm nay, UBND xã vận động các hộ gia đình chăn nuôi gà theo hình thức thả vườn và theo từng khu hình thành tổ hợp tác, khu chăn nuôi gà để phát triển sản phẩm đặc trưng của xã, đồng thời tổ chức hội thảo ra mắt sản phẩm. Nếu phát triển tốt, năm 2019, UBND xã sẽ hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi gà, hoặc các tổ hợp tác, đi vào hoạt động có hiệu quả, đồng thời phối hợp với các cơ quan cấp trên tổ chức tập huấn cho hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm để đến năm 2020 mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm.
Với những bước đi bài bản, khi đã có thương hiệu “Gà vườn Hà Mòn”, thì mọi nhà ở xã Hà Mòn đều phát triển chăn nuôi, mọi người cùng chung ý thức bảo vệ thương hiệu, chắc chắn đàn gà của xã sẽ tăng lên, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân mọi miền đất nước khi đến với Kon Tum.
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc