Gỡ “nút thắt” trong tích tụ đất
Có không ít nông dân e ngại, không mấy ủng hộ việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, nhưng có rất nhiều người mong đẩy nhanh tiến trình, vì nhìn thấy lợi ích và cơ hội vươn lên.
Tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn là chủ trương lớn nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập của nông dân.
Trên thực tế, chủ trương tích tụ ruộng đất đã xuất hiện từ thời kỳ đầu đổi mới, với nhiều phương thức khác nhau.
Đến Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới chính thức đề cập đến vấn đề tích tụ đất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012, trong đó có nêu “tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp”.
Luật Đất đai năm 2013 được coi là “chìa khóa” pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún.
|
Thực hiện chủ trương lớn này, trong những năm qua, việc tích tụ ruộng đất được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện với những hình thức và bước đi khá đa dạng và sáng tạo.
Ở tỉnh ta, ngày 17/2/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 366-KL/TU ngày 17/02/2017 về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”. Tháng 3/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 176/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020.
|
Theo ông Phạm Đức Hạnh- nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là hướng đi tất yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đang tăng cao của nông dân, cũng như nhu cầu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ngày càng lớn của doanh nghiệp, tổ chức.
Đây cũng sẽ là nền tảng để tỉnh Kon Tum chuyển nhanh hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ đó hình thành chuỗi sản xuất giá trị cao, có sự liên kết, hợp tác giữa nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có gần 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 31% tổng diện tích tự nhiên. Các địa phương đã đăng ký dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 4.522 ha (trong đó dồn đổi 4.172 ha; tích tụ 350ha).
Toàn tỉnh đã thực hiện dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp là 394ha với 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia; xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước theo mô hình liên kết sản xuất.
Theo UBND tỉnh, kết quả trên rất đáng ghi nhận, bởi đây là một chủ trương lớn, mới và phức tạp, khó tránh khỏi sự lúng túng khi triển khai, trong khi nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
Tuy nhiên, nó cũng cho thấy, dù các cấp, các ngành đã có sự nỗ lực, nhưng quá trình tích tụ đất đai diễn ra khá chậm. Mà nút thắt lớn nhất là tâm lý lo ngại sẽ mất đất sản xuất, không có việc làm, lợi ích bị ảnh hưởng của bà con nông dân.
Tháng 5/2022, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó yêu cầu đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Để đưa Nghị quyết 19-NQ/TW vào cuộc sống, tất nhiên không thể thiếu nỗ lực tiếp tục thúc đẩy tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn. Nhưng muốn như vậy, chính quyền, ngành liên quan cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến chính sách để cởi các “nút thắt”, và tạo “sức hút” để bà con nông dân tham gia.
Trong đó, quá trình tích tụ ruộng đất cần hình thành trên cơ sở tự nguyện, vì nông dân và cho nông dân. Đồng thời, phải đảm bảo sự bền vững, sử dụng đất hiệu quả, đáp ứng tầm nhìn và mục tiêu trong tương lai của phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Tháng 9/2017, khi viết bài tuyên truyền về chủ trương dồn đổi, tích tụ ruộng đất, tôi đã trò chuyện với một nông dân ở xã Đăk La (huyện Đăk Hà).
Ông nói rằng, gia đình mình có gần 1ha đất nông nghiệp, nhưng chia nhỏ, nằm rải rác ở mấy cánh đồng, rất bất tiện khi gieo trồng, chăm sóc cũng như đầu tư máy móc vào sản xuất. Ông từng mong được dồn đổi đất, hoặc góp đất thành cánh đồng lớn để “máy cày được đạp hết ga”.
Trên thực tế dù có không ít nông dân e ngại, không mấy ủng hộ việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, nhưng lại có rất nhiều người mong đẩy nhanh tiến trình, vì nhìn thấy lợi ích và cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu sẽ không mất quyền sử dụng đất khi hưởng ứng dồn đổi, tích tụ đất xây dựng cánh đồng lớn.
Bên cạnh đó, tuân thủ nguyên tắc tích tụ đất xây dựng cánh đồng lớn là hướng tới mục tiêu cao nhất: Đưa nông dân cùng ruộng đất đi về phía trước, với cuộc sống sung túc hơn; không có bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những hộ nông dân nghèo, đồng bào DTTS.
Thành Hưng