Giúp nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp
Trong các năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên để mỗi nông dân trở thành những “nông dân chuyên nghiệp”, không còn phụ thuộc vào sự bấp bênh của thị trường, đồng thời nâng cao giá trị nông sản là “bài toán khó” mà chính quyền các cấp và ngành chức năng đang trăn trở, từng bước tìm lời giải hợp lý.
Tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp là mục tiêu của đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, nhưng đến nay, do điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán và thói quen sản xuất, bà con nông dân tỉnh ta vẫn thường chú trọng sản lượng, chưa tập trung nâng cao giá trị nông sản và hiệu quả lợi nhuận. Điều này là “lực cản” trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với sự cạnh tranh rất cao hiện nay; sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh kém, ảnh hưởng đến thu nhập và nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Việc tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, tuy nhiên với điều kiện thực tế của tỉnh ta thì đó là cả một quá trình, không thể nóng vội mà cần một lộ trình phù hợp, từ bước ban đầu về đề ra giải pháp cho đến bước triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai cần sự đồng hành giữa các bên, gồm cơ quan làm chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân... để cùng nhau thực hiện việc chuyển đổi tư duy trong làm kinh tế nông nghiệp.
|
Có 5 giải pháp được đặt ra để người nông dân cất cánh trên mặt trận nông nghiệp. Đó là: tập trung tích tụ ruộng đất trong sản xuất, tạo cơ chế linh hoạt cho thuê đất để đầu tư phát nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao tay nghề lao động, đào tạo nông dân chuyên nghiệp với mức lương hưu đảm bảo, được vay vốn để khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo trong kinh doanh nông nghiệp với sự đầu tư khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu nông sản đạt chất lượng; xây dựng nông nghiệp xanh ứng phó biến đổi khí hậu và môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Hiện nay, khi đến khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, chúng ta có thể bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố: nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối internet như máy tính, điện thoại. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại... Đây là một lợi thế ai cũng biết trong “kỷ nguyên cách mạng công nghiệp thời đại 4.0” được sử dụng vào trong sản xuất nông nghiệp - điều ai cũng biết mà hoàn toàn “không dễ dàng” có được với những nơi khác trong sản xuất nông nghiệp. Trên hành trình đầy khó khăn đó rất cần sự chung tay của “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) thì mới mong tạo nên đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo ông Ao Thành Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để giúp người nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp thì cần có sự hỗ trợ của các ngành, các địa phương trong việc tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ như quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân; giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp; hỗ trợ nông dân đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng, hợp tác. Quyền lợi chính đáng của người nông dân cần phải được bảo vệ. Trong đó, cần nhất là tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Thông qua công tác đào tạo, dạy nghề bồi dưỡng những nông dân sản xuất giỏi làm nòng cốt, để xây dựng các mô hình hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Song song với đó, chính quyền và các cấp Hội Nông dân cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết cho cộng đồng về phương pháp phát triển kinh tế nông nghiệp và cả thị trường để phấn đấu cùng nhau làm giàu…
Việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, giải pháp phát triển thương mại cho nông sản; xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững làm kinh tế nông nghiệp theo xu hướng hội nhập hiện đại đang gợi mở nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập của phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống lạc hậu. Bức tranh "nông nghiệp 4.0" về một quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc sẽ hiện hữu trong tương lai gần. Vì trong bối cảnh công nghiệp hiện đại đang phát triển nhanh và mạnh mẽ, thì đòi hỏi tư duy, phương thức làm kinh tế nông nghiệp càng phải nhanh chóng thay đổi toàn diện và đồng bộ từ sản xuất đến chuỗi chế biến, phân phối, để hạn chế rủi ro cung cầu, ổn định hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp là đòi hỏi trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt của nông dân, làm cho khu vực nông thôn có mức hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần ngang bằng với khu vực thành thị.
Việc phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là yêu cầu không thể thiếu trong “bài toán” khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ta. Vì vậy, các cấp, các ngành “xắn tay” cùng giúp nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp là yêu cầu cấp bách, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn hiện nay.
Dương Lê