Giải cứu nông sản – đến hẹn lại lên?
Sau các phát ngôn gây sốc, dư luận mấy ngày nay lại ồn ã với chuyện “đến hẹn lại lên”: giải cứu dưa hấu.
Giải cứu, giải cứu và lại tiếp giải cứu. Năm trước, năm trước nữa, hết giải cứu trái ớt, trái chuối, củ hành tím, dưa hấu, trái bí đỏ lại đến giải cứu thịt heo, hạt muối… Năm nay, chưa nguôi với “chiến dịch” giải cứu củ cải trắng, su hào thì nay lại đến trái dưa hấu…
Những gương mặt thất thần của người nông dân nhìn đống dưa hấu đổ đống chỉ được vơi dần theo kiểu nhỏ giọt. Những tiếng thở dài đến não nề. Biết ăn dưa hấu đẹp da, mát ruột, bồi bổ sức khỏe thật nhưng cả nhà chẳng thể ăn hết bữa nọ đến bữa kia, chẳng thể lấy dưa hấu mà thay cho bữa cơm hàng ngày của cả gia đình? Rồi, dưa ế ẩm, không bán được, lấy gì để đầu tư cho vụ tiếp, lấy gì mà lo cho mấy đứa con ăn học?...
Hàng loạt câu hỏi, hàng loạt những băn khoăn, trăn trở đó không chỉ của người nông dân Quảng Ngãi, Quảng Nam…
Người nông dân Kon Tum cũng không ngoại lệ. Năm 2018 này, người trồng mía, trồng nghệ cũng đã lâm vào cảnh dở khóc dở mếu vì đến ngày thu hoạch mà không có ai mua.
Còn nhớ, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, người trồng mía như ngồi trên đống lửa, hết đi vào lại đến đi ra, trắng đêm thức canh đám mía trổ bông mà chưa đến ngày được chặt đốn. Mía để lâu không bán được trổ cờ trắng đồng, xốp ruột, không chỉ giảm trọng lượng mà còn lo bị cháy, mà cháy là trắng tay…
Chưa vơi nỗi buồn với người trồng mía, lại tiếp đến nỗi buồn của người trồng nghệ. Mấy năm trước thấy nghệ được giá, được mùa, người nọ học người kia, người một vài ba sào, người cả héc ta, diện tích cây nghệ phát triển chóng mặt. Cuối mùa khô, cây nghệ đến kỳ thu hoạch lại không tìm được đầu ra, người chấp nhận bán nhỏ giọt cho các lò sản xuất tinh bột nghệ, người đành “bỏ quên” vì tiền bán nghệ chẳng đủ trả công thu hoạch…
Dù chưa đến mức phải giải cứu – mà nếu có giải cứu, thì cây mía chờ ép lấy đường, củ nghệ vàng không phải là thực phẩm hàng ngày, mua cùng lúc nhiều cũng chẳng biết để làm gì – nhưng biết bao nông dân trồng mía, trồng nghệ ở Kon Tum đã mất ăn mất ngủ, hết than vắn lại đến thở dài vì sau bao tháng ngày một nắng hai sương, sản phẩm làm ra không thể bán được…
Kiểu làm ăn tự phát, mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy nuôi, không có đầu ra ổn định, không dự đoán được đến kỳ thu hoạch sẽ bán được bao nhiêu, với giá bao nhiêu, khủng hoảng thừa là tất yếu.
Giải cứu nông sản vì thế không còn là chuyện cá biệt, như một kịch bản cũ, dẫu biết đắng lòng nhưng vẫn cứ diễn ra, hết năm này sang năm khác, hết nông sản này sang nông sản khác, thậm chí có nông sản như dưa hấu cần đến sự giải cứu lặp lại trong nhiều năm nay… Các địa phương gửi thư kêu gọi, báo chí liên tục phản ánh, cộng đồng hô hào giúp đỡ, chỉ mong sao chia sẻ được bớt những nhọc nhằn cho người nông dân…
Một sự thắc mắc không hề nhẹ, tại sao người trồng dưa hấu, người trồng mía, trồng nghệ, người nuôi heo… biết đến kịch bản đắng lòng này nhưng sao vẫn không thoát ra được?
Cũng khó mà trách được người nông dân. Họ mở rộng sản xuất không theo một dự báo nào, hoàn toàn dựa vào cảm quan. Họ cứ theo kiểu “thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào” vì không biết chọn lối đi nào khác, thôi thì được ăn cả, ngã về không vậy. Họ nhắm mắt trước mọi rủi ro, cứ thế mà thuê đất, thuê nhân công, mua cây con giống và cứ thế mà bỏ công chăm sóc với hy vọng, đất không phụ công người, sẽ có ngày thu được một số tiền lớn…
Nhưng, các cuộc giải cứu mới chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa giải quyết được tận gốc kiểu làm nông ngoài “trông trời, trông đất, trông mây/trông mưa trông nắng, trông ngày, trông đêm” còn phải trông thêm cả thị trường tiêu thụ.
Điều những người nông dân mong muốn vì thế không phải từ những cuộc giải cứu theo kiểu người người, nhà nhà ăn giúp quả dưa hấu, cân thịt heo hay mua giúp cân đường, tăng cường dùng tinh bột nghệ…(!?) Sự giúp đỡ từ tâm mang tính chất tức thời đó cần nhưng chưa đủ.
Điều họ cần hơn cả chính là định hướng dài hơi trong nông nghiệp, là giải bài toán đầu ra cho sản phẩm… để không phải rơi vào cảnh đầu mùa hăm hở, cuối mùa cứ thế mà bơi trong nỗi âu lo.
Liễu Hạnh