Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp gặp khó
Điều khiến các chủ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đau đầu và lo lắng trong giai đoạn hiện nay là giá xăng dầu liên tiếp tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu giảm càng khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vốn đã khó khăn sau thời gian dài bị đình trệ vì Covid -19 nay lại thêm khó khăn hơn.
Hiện nay, dịch Covid-19 được kiểm soát khá tốt, các hoạt động kinh tế, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp phải cần nhiều thời gian hơn mới khôi phục được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cũng may là nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chưa kịp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, nay phải tiếp tục đối mặt với giá xăng dầu liên tiếp tăng cao, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh càng tăng thêm gánh nặng.
Thực tế là cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng, cước phí tăng... đều có tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Chủ một doanh nghiệp vận tải than thở, xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí vận tải, bình quân từ 35-50% tùy theo phương thức vận tải và nguyên liệu đầu vào. Suốt thời gian dài do ảnh hưởng dịch bệnh, hầu hết phương tiện vận chuyển đều ở trạng thái “đắp chiếu” hoặc là buộc phải cắt giảm lượng xe chạy, tuyến chạy. Không hoạt động, không có doanh thu, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Nay dịch bệnh vừa kiểm soát, kinh doanh vận tải dần “ấm” lên thì lại liên tiếp đối mặt với giá xăng dầu tăng. Không thể liên tục điều chỉnh cước vận chuyển hàng hóa theo mỗi đợt xăng dầu tăng giá nên không ít doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong duy trì hoạt động và phát triển.
|
Giá xăng dầu liên tiếp tăng với biên độ lớn không chỉ tác động trực tiếp các doanh nghiệp vận tải, mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các lĩnh vực khác cũng ở trong bối cảnh tương tự. Từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, may mặc, gỗ đến sản xuất, kinh doanh, chế biến các mặt hàng nông sản... Giá xăng dầu tăng và hàng loạt các chi phí, nguyên liệu khác đều tăng: giá phân bón tăng, giá sắt thép tăng, giá vận chuyển tăng... đã khiến các mặt hàng, sản phẩm đều đội giá. Giá thành sản phẩm cao, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu khiến cho đầu ra bị thu hẹp.
Hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp và cả của người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022. Trong bối cảnh hiện nay Nghị quyết này được đánh giá là giải pháp then chốt giúp phần nào giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu cũng như hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác.
Tuy nhiên, theo các chủ doanh nghiệp thì mức giảm này vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực vì thực tế từ tháng 4 đến nay xăng dầu vẫn liên tục tăng giá với biên độ lớn. Để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau hơn 2 năm bị đình trệ vì dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh đang cố gắng cân đối, cắt giảm các chi phí nhằm ứng phó linh hoạt trước tình trạng xăng dầu liên tiếp tăng giá như hiện nay. Các doanh nghiệp vận tải, xây dựng nỗ lực điều tiết để hạn chế tới mức thấp nhất tiêu hao nhiên liệu, quản lý chặt chẽ nhiên liệu xăng dầu để thích ứng, tồn tại. Còn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực khác dù ít liên quan đến việc sử dụng xăng dầu nhưng cũng phải chịu tình trạng phải mua các nguyên liệu đầu vào giá cao, chi phí vận chuyển cao... cũng phải điều tiết, cắt giảm các chi phí...
Việc chưa kịp phục hồi sau dịch Covid-19, lại phải tiếp tục đối mặt với giá xăng dầu liên tiếp tăng, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng... nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vừa nỗ lực khôi phục, duy trì hoạt động vừa trông chờ những biến động của giá xăng dầu để đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời. Điều mà các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh mong muốn là Nhà nước, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ, hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”. Bên cạnh đó, có các chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế giúp các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ những khó khăn đang phải đối mặt hiện nay…
Hà Nam