Gánh nặng chi phí và thuế đè lên doanh nghiệp
Sau khi thành lập công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân và được cấp mã số thuế, doanh nghiệp bắt đầu nộp các khoản thuế. Các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp gồm môn bài, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tài nguyên, sử dụng đất phi nông nghiệp… và các khoản bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt. Do vậy, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lo lắng rất nhiều về thuế và chi phí.
Nộp thuế là thể hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Hàng năm, số lượng doanh nghiệp bị thanh kiểm tra về thuế không ít. Và trên thực tế, có doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định, nhưng cũng có nhiều đơn vị bị oan sai vì chính sách thay đổi quá nhanh. Mặc dù trong những năm gần đây, ngành Thuế của tỉnh có những nỗ lực trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa cải thiện, gây khó cho doanh nghiệp và người dân.
|
Ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh cho biết: Kể từ khi thành lập công ty đến nay, đơn vị chưa có năm nào nợ thuế. Nhưng quyền lợi của người nộp thuế rất ít được quan tâm. Quyền của ngành Thuế rất lớn như cấp mã số thuế, kiểm tra, thanh tra, phong tỏa tài khoản, đình chỉ hóa đơn hay chuyển cơ quan điều tra, trong khi quyền của người nộp thuế mà chủ yếu là doanh nghiệp, người dân thì rất ít. Vì vậy, về phía doanh nghiệp, kiến nghị chính sách thuế phải ổn định ít nhất trong 5 năm, để doanh nghiệp nắm bắt kịp và tạo sự ổn định phát triển cho doanh nghiệp.
Ông Phan Thanh Xuân - đại diện Công ty TNHH Tân Hưng cũng phàn nàn ngoài các khoản thuế, doanh nghiệp còn chịu nhiều loại phí trong xây dựng như giá xây dựng, giá hợp đồng, chỉ số giá xây dựng. Đáng chú ý về đơn giá nhân công, trong văn bản số 10/CB-SXD, ngày 26/10/2017 của Sở Xây dựng Kon Tum áp dụng cho năm 2018. Mức lương đầu vào được xác định theo địa bàn từng xã, phường, thị trấn gồm 5 mức: 2.103.000 đồng/tháng, 2.193.000 đồng/tháng, 2.282.000 đồng/tháng, 2.372.000 đồng/tháng, 2.551.000 đồng/tháng là thấp, trong khi doanh nghiệp phải chịu mức phí các khoản bảo hiểm người lao động phải trả theo quy định bảo hiểm xã hội, dù là lao động thời vụ một tháng trở lên. Nhiều công ty xây dựng công trình ở vùng sâu, vùng xa lựa chọn lao động theo thời vụ như một giải pháp để giải quyết hài hòa bài toán chi phí và chất lượng. Tuy nhiên, từ năm 2018, lao động thời vụ 1 tháng trở lên phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đây là vấn đề buộc doanh nghiệp phải gánh thêm mức chi phí để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Có thể thấy gánh nặng về thuế và chi phí đang đè lên doanh nghiệp, nên cơ quan quản lý phải suy ngẫm, phấn đấu làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, đất đai, tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh việc kê khai thuế qua mạng; thanh tra, kiểm tra, chống tình trạng lạm thu; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện và trả lời cho doanh nghiệp, đảm bảo lòng tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế của địa phương; tổ chức tư vấn pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển của tỉnh.
Dương Lê