Động lực về đích
Dù gặp nhiều áp lực, thách thức, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, sự ổn định về chính trị - xã hội, kinh tế tỉnh ta có sự tăng trưởng khá, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo động lực cho 3 tháng “nước rút” về đích.
Nhiều điểm sáng
Ngay từ đầu năm 2022, dự báo trước những khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt, triển khai quyết liệt, khẩn trương và hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023).
Chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ để phấn đấu đạt các mục tiêu năm 2022. Bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, vừa tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế, an sinh xã hội.
Theo Cục Thống kê tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi tích cực, với nhiều điểm sáng so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý nhất là thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.930 tỷ đồng, tương ứng 73,25% dự toán địa phương giao và tăng 39,49% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng tín dụng khá tốt (+8,2%) so với 9 tháng năm 2021.
|
Hoạt động đầu tư tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tính đạt 16.845,34 tỷ đồng, tăng 18,29 %.
Đã có 272 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 87,74% kế hoạch và tăng 21,97% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký khoảng 5.500 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch; 101 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 6,3%).
Sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; chỉ số IIP 9 tháng ước tính tăng 19,15% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục sự thích ứng với tình hình mới và đà phục hồi mạnh mẽ.
Thương mại, dịch vụ của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng ấn tượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng ước tính tăng 33,57% so với cùng kỳ năm trước.
Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng khi thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng, trong đó, có 10 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký gần 172,6 tỷ đồng; 9 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 1.483 tỷ đồng.
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công “ghi điểm” khi đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tính đến ngày 20/9, giải ngân gần 1.281 tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch vốn năm 2022 Trung ương giao, cao hơn cùng kỳ năm trước (40%).
Ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.
Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; dịch bệnh được kiểm soát tốt; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện. Cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Chạy “nước rút”
Tuy nhiên, Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/9/2022 của Tỉnh ủy đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 9 tháng đầu năm 2022 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Đó là, kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh còn hạn chế (xếp hạng các chỉ số năm 2021 thuộc nhóm thấp nhất cả nước). Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh còn chậm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
An ninh nông thôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp chưa được kiềm chế; vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Công tác giáo dục, đào tạo tại vùng đồng bào DTTS còn khó khăn; tỷ lệ chuyên cần của học sinh người DTTS chưa đảm bảo.
Vì vậy, quý 4/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích” các mục tiêu cả năm.
|
Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/9/2022 đề ra mục tiêu, trong 3 tháng cuối năm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng từ 10% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 1.037 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 6.155 tỷ đồng trở lên; giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao; thành lập mới từ 30 doanh nghiệp trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 11,3% vào cuối năm 2022 (tương ứng giảm 16.576 hộ).
Để triển khai thắng lợi Nghị quyết 17-NQ/TU, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; thực hiện đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Theo đó, chủ động nắm bắt mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng. Khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch quan trọng của tỉnh như: Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2025.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2022 ở mức cao nhất.
Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên người, nhất là tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, tạo sự ổn định để phát triển kinh tế.
Cần chú trọng hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong tỉnh để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi, thông qua việc triển khai tốt các chính sách, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế; các nhóm biện pháp kiềm chế giá cả, kiểm soát lạm phát.
Hồng Lam