Động lực mới cho tam nông
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tin tưởng đem lại động lực mới thúc đẩy tam nông phát triển lên tầm cao mới.
Đây là lần thứ hai, Đảng ta ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cách đây 14 năm, ngày 5/8/2008, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW- Nghị quyết đầu tiên của Đảng đề cập tới cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đúng với tên gọi, Nghị quyết khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân không chỉ đến năm 2020 mà còn trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Có một điều khá đặc biệt là ở tỉnh ta, từ năm 2007, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 01/TU về “đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân”.
Việc sớm có Nghị quyết về “tam nông” không chỉ thể hiện rõ sự sáng suốt, tính đúng đắn trong quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh mà còn khẳng định quyết tâm tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trên 3 lĩnh vực có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Mặc dù sau đó, Nghị quyết 01/TU được thay thế bằng chương trình thực hiện Nghị quyết TW 7, nhưng những kết quả đạt được sau hơn 1 năm thực hiện là khá toàn diện; và những chỉ tiêu phấn đấu mà Nghị quyết 01/TU đề ra vẫn mang tính định hướng cao, phù hợp với thực tế địa phương.
Có thể khẳng định, trong 14 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia, dự án lớn được triển khai, với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, cho tam nông. Hàng năm, tỉnh ta bố trí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn nông dân cách thoát nghèo, làm giàu...
Các địa phương cũng đã lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các nguồn vốn, chương trình, dự án để hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
|
Kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 36 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; 19 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 29 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 1 xã đạt 8 tiêu chí.
|
Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh được hình thành, gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Nông dân được tạo điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Mối liên kết “4 nhà” từng bước được siết chặt. Hệ thống hợp tác xã và tổ hợp tác được quan tâm củng cố, đổi mới và phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh có 218 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 218 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân 272 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/người/năm.
Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Theo kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo 21.989 hộ, chiếm 15,32% tổng số hộ; số hộ cận nghèo 9.091 hộ, chiếm 6,33% tổng số hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng.
Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với quan điểm nhất quán, những mục tiêu cụ thể, Nghị quyết được tin tưởng sẽ đem lại động lực mới cho tam nông.
Trong đó, Nghị quyết xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có quan hệ mật thiết, không thể tách rời, trong đó nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.
Vì vậy, các chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có sửa đổi pháp luật đất đai nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị quyết nêu rõ, nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đồng thời khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương.
Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh.
Hoàn thiện chính sách phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.
Hướng đi đã có, vấn đề còn lại là phải khẩn trương xây dựng, rà soát, bổ sung, ban hành chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện.
Chỉ khi cấp ủy các cấp xây dựng được chương trình hành động sát đúng tinh thần nghị quyết, phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực của địa phương, cơ quan, đơn vị thì nghị quyết của Đảng mới thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội.
Hồng Lam