Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Trong năm 2022, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tích cực vận động nguồn lực đóng góp từ xã hội, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua đó, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ngày càng khang trang và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân ở nông thôn; diện mạo kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thay đổi tích cực.
Triển khai công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (Chương trình), ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành và trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2025.
Công tác kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc để triển khai Chương trình ở các cấp được khẩn trương thực hiện. Theo đó, tỉnh tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Tổ công tác về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; duy trì hoạt động của Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; 10/10 huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; các xã trên địa bàn tiến hành thành lập ban quản lý thực hiện các Chương trình MTQG tại địa phương cơ sở.
|
Triển khai thực hiện Chương trình, các sở, ngành được giao phụ trách các nội dung, tiêu chí chuyên ngành đã chủ động phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra giám sát, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Nhờ đó, đã phát hiện được nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở để nhân rộng và kịp thời chấn chỉnh những cách làm chưa đúng, chưa hiệu quả.
Là đơn vị tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) thường xuyên phối hợp với các địa phương cập nhật tiến độ, kết quả triển khai thực hiện Chương trình trong hàng tháng và hàng quý. Kịp thời hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, đặc biệt là công tác phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao. Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và giúp việc triển khai Chương trình được đồng bộ, thông suốt, đúng định hướng chỉ đạo của tỉnh và các quy định của pháp luật.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn đảm bảo theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong triển khai thực hiện Chương trình.
Công tác tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các đơn vị, địa phương chú trọng triển khai và đã phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng. Từ các thông điệp được truyền tải như “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “xây dựng nông thôn mới là góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, đổi mới diện mạo quê hương”, “phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn”, “nâng cao đời sống cho cộng đồng” đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân. Qua đó, phát huy được vai trò là chủ thể, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực hưởng ứng, thi đua, trở thành gương sáng tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.
Rà soát theo Bộ tiêu chí Quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, dự kiến đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16 tiêu chí.
Nhiều tiêu chí có số lượng xã đạt chuẩn cao, như tiêu chí về điện có 85/85 xã đạt chuẩn, tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 85/85 xã đạt chuẩn, tiêu chí về thông tin và truyền thông có 84/85 xã đạt chuẩn, tiêu chí về văn hóa có 83/85 xã đạt chuẩn, tiêu chí về quốc phòng và an ninh có 82/85 xã đạt chuẩn, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa có 81/85 xã đạt chuẩn, tiêu chí về lao động có 75/85 xã đạt chuẩn.
Đối với 8 xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2022 và xã Ngọc Tụ thuộc huyện Đăk Tô (xã chưa hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2021), cơ bản các xã đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Các địa phương đang tiến hành rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 và đề nghị thẩm định, công nhận xã nông thôn mới theo kế hoạch.
Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, hiện nay, các xã đang tiếp tục rà soát, thực hiện để đáp ứng đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Dự kiến có 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao là: Xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy), xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy), xã Diên Bình và xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô).
Đối với 3 xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, gồm xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) và xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), hiện nay các xã đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí mới.
|
Tại 95 thôn (làng) điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2022-2025, hầu hết các thôn (làng) đều đã đạt chuẩn từ 3-8 tiêu chí/10 tiêu chí. Riêng thôn điểm cấp tỉnh là thôn Làng Mới (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei), đến nay, thôn đã đạt chuẩn 6/10 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2023, thôn Làng Mới đạt chuẩn 10/10 tiêu chí.
Ông Huỳnh Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa vào nội dung trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện. Các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo liên quan đến Chương trình được ban hành một cách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ các chương trình MTQG đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Chương trình đã tác động tích cực đến xã hội, đưa diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục thay đổi khởi sắc, hạ tầng kinh tế-xã hội được nâng cấp toàn diện, sản xuất đi vào chiều sâu và đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
Trong năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 3 xã nông thôn mới nâng cao, có thêm 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra giải pháp cụ thể, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ theo quy định; tăng cường các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; huy động và bố trí nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực cho các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới; tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực chỉ đạo và vận hành Chương trình cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đức Thành