Đổi thay ở xã Đăk Dục
Trở lại Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) lần này, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ nét ở vùng đất này. Đi một vòng qua các thôn làng, phần lớn đường giao thông đã được bê tông hóa, môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp. Nhà nào cũng có vườn rào, trồng cây ăn trái, rau xanh. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xây dựng ở xa khu nhà ở...
Vào thăm nhà bà Y Nga ở thôn Nông Kon khi bà đang loay hoay ngoài vườn để chăm sóc mấy luống rau cải, rau dền, rau muống, rau xà lách. Hỏi chuyện về cuộc sống hiện tại, bà kể trước đây làm quanh năm suốt tháng mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Nhà có 5 người nhưng hàng năm vẫn thiếu trước, hụt sau, đôi lúc phải vay mượn bà con trong thôn để có gạo nấu cơm.
Được cán bộ xã tư vấn, định hướng, bà mạnh dạn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất. Mặt khác, bà đăng ký tham gia 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi do huyện mở tại xã.
Với những kiến thức tiếp thu từ 2 lớp học, bằng nguồn vốn vay của ngân hàng và mượn tạm của bà con thân quen, bà đầu tư trồng 5 sào cà phê, 1ha cây bời lời, nuôi 2 con bò sinh sản. Ngoài ra, với diện tích đất canh tác sẵn có, bà trồng 2ha mỳ, 4 sào lúa nước 2 vụ; nuôi thêm heo, gà, vịt trong vườn nhà.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại”, sau khi thu hoạch mỳ, bán lứa heo, lứa gà, bà dành tiền để đầu tư chăm sóc cây cà phê, cây bời lời, vỗ béo bò.
|
Sau 8 năm chí thú làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, bây giờ cuộc sống gia đình bà Y Nga đã ổn định với mức thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Bà đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang trị giá trên 300 triệu đồng. Trong nhà, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, phục vụ cho đời sống hàng ngày. Ba người con của bà đều được học hành đến nơi đến chốn.
“Phải biết tự lực vươn lên làm chủ cuộc sống của mình; không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước” - lời tâm sự từ đáy lòng của ông Hiêng Lăng San (thôn Dục Nhầy 1) khiến chúng tôi thêm ấm lòng khi cảm nhận về cách nghĩ, cách làm, cách phát huy nội lực để vươn lên, không cam chịu đói nghèo của người dân vùng căn cứ kháng chiến này.
Ông Hiêng Lăng San kể rằng: Trong kháng chiến, người dân 2 xã Đăk Dục, Đăk Nông luôn đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh, đùm bọc, nuôi giấu cán bộ cách mạng, cung cấp lương thực thực phẩm cho bộ đội, huy động nhiều thanh niên nhập ngũ đánh giặc. Ghi nhận công lao đóng góp của nhân dân địa phương, Nhà nước đã phong tặng cho cán bộ và nhân dân xã Đăk Dục (trước đây là Dục Nông) danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Hiêng Lăng San là một đảng viên, từng tham gia bộ đội đánh Mỹ. Trở về làng sinh sống sau khi đất nước thống nhất với nhiều thương tích trong người, ông vẫn hăng say lao động sản xuất để không phải là gánh nặng cho mọi người trong gia đình.
Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Hằng ngày, ông cùng vợ và các con lên rẫy chăm sóc vườn cà phê 6 sào, 2ha cây bời lời, 3ha mỳ; chăn thả 5 con bò và đàn heo, gà mấy chục con; lội xuống ruộng làm cỏ, bón phân cho 5 sào lúa nước.
Siêng năng, chịu khó, chịu khổ, gia đình ông hiện đã khấm khá với mức thu nhập bình quân hàng năm từ 250-350 triệu đồng. Ông đã xây dựng được nhà ngói khang trang trị giá trên 400 triệu đồng.
Bà Nga, ông San chỉ là 2 trong số nhiều người dân ở xã Đăk Dục mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện, nghe họ kể về sự đổi thay về kinh tế - xã hội hiện nay ở vùng đất này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hiêng Lăng Thuận – Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát triển kinh tế, những năm qua, xã đã vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Chính quyền xã xác định và định hướng cho người dân nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao; chú trọng thâm canh tăng năng suất, phát triển mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
|
Đến nay, toàn xã có 449ha cây cao su, 432ha cây bời lời, 472ha mỳ cao sản, 27ha cây cà phê, 165ha lúa nước và 90ha lúa rẫy. Tổng đàn gia súc 2.559 con (bò 1.434 con, trâu 21 con, dê 102 con, heo trên 1.000 con); đàn gia cầm hơn 11.200 con và 18ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng ủy và chính quyền xã còn quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đảm bảo ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
Xã có 2 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ I, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở các cấp học đạt 100%, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh đạt gần 99%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên; mỗi thôn, làng đều có đội bóng đá, bóng chuyền, đội văn nghệ quần chúng, đội cồng chiêng. Người dân có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau cùng phát triển; cùng nhau chung sức xây dựng thôn làng ấm no, hạnh phúc, xanh – sạch – đẹp.
Cao Cường