Để Tu Mơ Rông thành “vương quốc” dược liệu - Kì 3: Tu Mơ Rông cần “cởi trói” để thành “vương quốc” dược liệu
Để Tu Mơ Rông bứt phá thành “vương quốc” dược liệu số một của tỉnh, huyện cần thêm chính sách sự quan tâm như đầu tư hạ tầng giao thông, nâng mức hỗ trợ trồng rừng và thành lập vườn quốc gia bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh.
“Kim chỉ nam” cho phát triển
Trong nhiều cuộc nói chuyện với phóng viên Báo Kon Tum, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, từ tiềm năng, huyện đã biến vùng đất này thành một trong ba vùng trồng dược liệu. Trong đó, huyện có nhiều cái nhất như: Diện tích sâm Ngọc Linh nhiều nhất, nhiều tỷ phú Xơ Đăng nhờ sâm Ngọc Linh nhất, nhiều diện tích dược liệu nhất, nhiều sản phẩm dược liệu được chế biến nhất. Hiệu quả đi kèm là người dân đã thay đổi ý thức khi biết chủ động đầu tư kinh doanh chứ không phải ngồi trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước như trước. Đơn cử như năm 2022, vốn vay đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại. Đời sống của họ đã khấm khá hơn nhờ sự thay đổi này.
“Đạt được những kết quả trên, có sự giúp đỡ rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Ngoài hoạch định chiến lược phát triển thông qua các nghị quyết, văn bản, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên băng rừng kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắt liên quan đến đầu tư, phát triển dược liệu. Tôi còn nhớ khi sâm bị bệnh chết, các đồng chí đã quán triệt việc cần làm ngay là sớm tìm nguyên nhân để khống chế và hỗ trợ cho dân. Nhờ đó, nạn sâu bệnh trên sâm Ngọc Linh đã được khống chế, ngân hàng tiến hành khoanh nợ, còn doanh nghiệp chung tay hỗ trợ giống cho dân tái đầu tư. Tỉnh cũng dành các nguồn vốn để hỗ trợ người dân. Như tháng 11, tỉnh đã bổ sung thêm 15 tỷ đồng và các xã đã triển khai cho dân mua giống phát triển sâm Ngọc Linh. Kết quả đạt được cũng nhờ sự đoàn kết của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy trong chỉ đạo, điều hành”- ông Mạnh nhấn mạnh.
|
|
Cũng theo ông Mạnh, vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này đã nêu rõ lộ trình, đường đi để phát triển, nâng tầm dược liệu. Xác định Nghị quyết 14 là “kim chỉ nam” để phát triển dược liệu trong giai đoạn tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình thực hiện và UBND huyện cũng đã có kế hoạch triển khai chương trình theo Nghị quyết 14 này.
Ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trong kế hoạch thực hiện chương trình theo Nghị quyết 14-NQ/TU, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển được 2.960 ha sâm Ngọc Linh, 1.761ha cây dược liệu khác; đến năm 2030, phấn đấu phát triển 6.000ha sâm Ngọc Linh và 3.150ha cây dược liệu khác. Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện sẽ phối hợp quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung gắn với cơ cấu từng loại để thu hút đầu tư; khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các dược liệu có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, huyện sẽ thu hút các doanh nghiệp uy tín để liên kết với dân; thúc đẩy hình thành các cơ sở chế biến dược liệu tại các vùng trồng dược liệu. Đặc biệt, huyện xác định sẽ đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch bằng việc sẽ xây dựng các tua trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại vùng sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác…
|
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Tu Mơ Rông vẫn còn dư địa để phát triển bởi quỹ đất còn rộng, diện tích rừng chưa trồng sâm còn nhiều. Thực tế cho thấy, tiềm năng này vẫn chưa được khai phá hết. Việc này chứng minh qua việc đất trống còn nhiều, sản phẩm chế biến sâu liên quan đến dược liệu còn ít. Nhằm làm rõ rào cản nào đang cản ngăn sự phát triển dược liệu Tu Mơ Rông, phóng viên Báo Kon Tum đã ghi nhận ý kiến, trăn trở của của người dân cùng lãnh đạo chính quyền các cấp nơi đây.
Tại luống sâm Ngọc Linh 25 cây mới trồng trong tháng 10/2022 đang phát triển tốt, anh A Sanh (xã Đăk Hà) vừa mừng, vừa ngậm ngùi: Tiếc quá, sống ở vùng trồng sâm Ngọc Linh mà chưa làm giàu từ cây này. Tất cả cũng tại do nghèo không có vốn để mua cây giống. May vừa rồi huyện hỗ trợ 25 cây giống, mình mới có điều kiện tiếp cận nên mang đi trồng ngay, sớm nhất 2 năm mới cho thu quả. Giá như trước kia có giống sâm để trồng thì giờ thoát nghèo rồi.
|
Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Khó khăn đang ngăn cản người dân trồng dược liệu là tài chính của dân còn eo hẹp; trình độ canh tác, chăm sóc, quản lý, bảo vệ còn hạn chế; sự mất ổn định về giá. Một vấn đề nữa nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hoạch dài cũng là thứ khiến dân đắn đo. Đơn cử như sâm Ngọc Linh, xã có khoảng 800ha rừng thích hợp trồng sâm dưới tán rừng nhưng chưa phát triển được vì giá cây giống cao, lại khó kiếm. Vì thế, xã mong các cấp, ngành hỗ trợ sâm giống để bà con phát triển; đồng thời, kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến sâu các loại dược liệu để đảm bảo ổn định đầu ra.
Trong khu đó, ông A Đe- Chủ tịch UBND xã Tê Xăng lại cho rằng, rào cản đang cản trở người dân phát triển dược liệu là công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chưa được quan tâm chú trọng đúng mức. Ông kiến nghị, để cởi trói cho phát triển dược liệu, cần có chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư điện, đường, hệ thống thủy lợi, kênh mương để phục vụ sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao.
Còn Chủ tịch UBND xã Măng Ri Dương Đình Chung cho biết, trong quá trình trồng các loại cây dược liệu, bà con còn gặp một số khó khăn như tình hình nấm bệnh càng ngày càng mạnh, khó chữa. Xã mong muốn trong các năm tới, ngoài việc bổ sung vốn phát triển dược liệu, cấp trên cần tăng cường hướng dẫn thêm về cách phòng, chống một số loại nấm bệnh gây nguy hại tới cây sâm Ngọc Linh.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây Đặng Quốc Dũng thì cho rằng, vấn đề của người dân là tập quán canh tác nhỏ lẻ, gây ảnh hưởng đến quản lý và phát triển dược liệu. Đầu ra cho các sản phẩm dược liệu chưa ổn định, chưa thành hàng hóa nên người dân chưa an tâm đẩy mạnh trồng. Xã kiến nghị, cần kêu gọi đẩy mạnh liên kết hợp tác trong trồng và phát triển dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân; đề xuất quy hoạch 4 khu nông nghiệp công nghệ cao trong trồng và phát triển cây dược liệu với diện tích khoảng 200ha.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Trung Mạnh thừa nhận, huyện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển dược liệu vì nhiều lý do. Đó là muốn trồng dược liệu thì phải bảo vệ và trồng rừng nhưng mức hỗ trợ cho hộ gia đình trồng rừng còn thấp, dẫn đến dân chưa mặn mà trồng rừng. Ngoài ra, tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 40B nhỏ hẹp, hiện đã xuống cấp nặng. Hàng loạt các lý do khác như nguồn lực trong dân còn hạn chế, vốn đầu tư được giao hàng năm chưa cao, chưa có khảo sát nào xác định vùng đất nào thích hợp với trồng loại cây dược liệu gì.
“Huyện kiến nghị tỉnh tăng cường nguồn vốn vay ưu đãi để dân phát triển dược liệu, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để người dân được hưởng lợi trong công tác bảo vệ rừng, để họ thực sự là chủ rừng, tự chịu trách nhiệm quản lý rừng như quản lý tài sản của mình. Bên cạnh đó, cần nâng mức hỗ trợ trồng rừng để thu hút người dân tích cực trồng rừng. Huyện cũng mong tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 40B cũng như bổ sung tăng thêm vốn đầu tư hằng năm. Ngoài ra, mong tỉnh kiến nghị các bộ, ngành quy hoạch, công nhận Vườn Quốc gia bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Một vấn đề quan trọng khác là huyện mong muốn tỉnh giao ngành chuyên môn, nhà khoa học tổ chức khảo sát, đánh giá sự phù hợp của từng vùng đất đối với từng loại cây dược liệu cụ thể để đơn vị có hướng khuyến cáo cho người dân trồng. Những kiến nghị này nếu được thực hiện, việc phát triển dược liệu Tu Mơ Rông sẽ có bước phát triển mạnh trong thời gian tới”- ông Mạnh nói.
Phúc Nguyên