Để Tu Mơ Rông thành “vương quốc” dược liệu - Kì 1: Những tỷ phú từ dược liệu
Tu Mơ Rông là một trong ba huyện của tỉnh có tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu. Dưới sự định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tu Mơ Rông đã và đang xây dựng vùng dược liệu rộng lớn với nhiều cái nhất như diện tích cây dược liệu lớn nhất, nhiều sản phẩm dược liệu nhất, sâm Ngọc linh nhiều nhất, nhiều tỷ phú Xơ Đăng nhờ dược liệu nhất. Hiện, Tu Mơ Rông vẫn còn dư địa để phát triển và huyện cũng cần thêm chính sách để “cởi trói”, giúp nơi đây trở thành “vương quốc” dược liệu số một của tỉnh.
Từ mưu sinh bằng trồng mì, lúa rẫy, người dân nghèo Xơ Đăng đã mạnh dạn bán trâu bò, vay ngân hàng để trồng cây dược liệu. Nhờ đó, thu nhập không ngừng tăng, nông dân không những thoát khỏi cảnh nghèo, mà còn có tiền xây nhà, mua xe. Thậm chí, nhiều nông dân chân đất đã vươn mình thành tỷ phú, trở thành nguồn cảm hứng làm giàu cho bà con ở thôn làng.
Thoát nghèo nhờ trồng dược liệu
Đến xã Tê Xăng, chúng tôi bắt gặp anh A Khoa (30 tuổi, thôn Tân Ba) đang phấn khởi lên rẫy chăm sóc vườn sâm dây. Hỏi chuyện, anh vui mừng cho biết, năm nay, sâm dây có giá cao nên gia đình thu nhập khá, tết này có tiền, không lo thiếu ăn rồi. “Trước kia, nhà mình thuộc diện hộ nghèo. Được xã vận động trồng 2 sào sơn tra, sâm dây và kết quả, mỗi năm cho thu nhập thêm 50 triệu đồng. Nhờ có thêm nguồn thu mà năm 2021, gia đình đã thoát nghèo. Tới đây, mình tiếp tục mở rộng thêm diện tích sâm và hy vọng sẽ cho thu nhập khá hơn”- anh A Khoa kể.
Theo ông A Đe - Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, người dân trên địa bàn trồng cây dược liệu từ năm 2004 bằng hình thức đào trên rừng về trồng lại trong vườn. Quy mô vì thế cũng nhỏ lẻ. Năm 2008, bà con mới mạnh dạn mở rộng đầu tư. Đến nay, đã có 395/455 hộ trồng cây dược liệu như sâm dây, Sơn tra, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến với diện tích khoảng 215ha. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.
|
Về xã Ngọc Lây, chúng tôi bắt gặp từng tốp người dân đang bàn chuyện gia đình và rủ nhau gom tiền lên Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum mua giống về đầu tư trồng. Ông A Tai- Bí thư Chi bộ thôn Lộc Bông (xã Ngọc Lây) cho biết: Thôn có 60/78 hộ trồng cây dược liệu. Loại cây này thực sự đã giúp cuộc sống người dân thay đổi. Đơn cử năm 2022, có 9 hộ thoát nghèo, một phần cũng nhờ nguồn thu từ cây dược liệu.
Còn Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây Đặng Ngọc Dũng phấn khởi khoe: Hiện nay, xã có khoảng 250 hộ trồng cây dược liệu. Các mô hình trồng và phát triển dược liệu đã mang lại giá trị cao hơn so với các loại cây truyền thống như cây mì, lúa nước... Nhờ thu nhập từ cây dược liệu nên năm 2022, trên địa bàn xã giảm được 63 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 13,54%”.
Theo ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tu Mơ Rông, đến nay, toàn huyện đã phát triển được 2.937ha cây dược liệu, trong đó, sâm Ngọc Linh là 1.715ha, còn lại là các cây khác. Huyện có 30 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, trong đó, có 19 sản phẩm OCOP liên quan đến dược liệu. Cây dược liệu được xác định là cây “ba trong một” (cây chủ lực, cây giảm nghèo và là cây làm giàu của dân) của huyện, góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt đời sống của người dân. Đơn cử như giai đoạn 2019-2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo, trong số đó, có 70% số hộ thoát nghèo là nhờ trồng dược liệu.
Những tỷ phú chân đất
Ở mảnh đất Tu Mơ Rông, nhiều nông dân chân đất đã trở thành tỷ phú cũng nhờ nhanh nhạy đầu tư vào dược liệu. Để “thực mục sở thị”, chúng tôi tìm đến thủ phủ của dược liệu xã Măng Ri. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Dương Đình Chung tự hào khi nhắc đến những tỷ phú người Xơ Đăng trên địa bàn. Ông nói: Họ là nông dân chân lấm tay bùn nhưng rất nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội để đầu tư. Họ là tấm gương đi đầu cho việc vượt khó làm giàu.
|
Trong số đó, ông Chung tấm tắc khen A Ly (thôn Ngọc La). Anh A Ly hiện trồng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh, 3ha sâm dây. Tổng thu năm 2022 của gia đình từ tiền bán hạt, lá, củ sâm; tiền công làm thuê chốt sâm ước đạt hơn 1 tỷ đồng. Nói về “bí kíp” làm giàu, anh A Ly cho biết: “Mình trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2014, tiền đầu tư từ việc bán tài sản trong nhà. Cây lớn lên thì lấy hạt ươm rồi mở rộng diện tích. Mình cũng làm thuê cho công ty sâm. Tiền công, tiền hỗ trợ sâm, mình dồn hết để đầu tư vườn sâm. Mình cũng hay lân la gặp chuyên gia hỏi kỹ thuật chăm sóc, sau đó về áp dụng. Nhờ đó, cây sâm phát triển tốt, cho hạt rất nhiều. Những năm tới, cây lớn lên thì hạt sẽ cho nhiều hơn, vườn của mình sẽ được nhân rộng, khi đó thu nhập còn cao hơn nữa”.
Theo Chủ tịch UBND xã Dương Đình Chung, ngoài anh A Ly, trên địa bàn xã Măng Ri còn có ít nhất 6 người có thu nhập tương đương như anh. Tất cả đều vươn lên nhờ trồng cây dược liệu.
Tương tự, ở xã Tê Xăng, cái tên được ông A Đe- Chủ tịch UBND xã luôn dành những lời ngợi khen là anh A Hải (thôn Đăk Viên). Năm 2022, tổng thu của gia đình đạt cả tỷ đồng, trong đó đa phần liên quan đến trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây và buôn bán sản phẩm dược liệu.
“Nhà nước định hướng trồng dược liệu, mình thấy đúng nên đầu tư trồng sâm Ngọc linh và sâm dây. Nhờ đầu tư đúng hướng, trồng đúng kỹ thuật nên cây dược liệu phát triển tốt và cho thu nhập khá. Vì vậy, tới đây, mình tiếp tục mở rộng diện sâm Ngọc Linh”- A Hải cho biết.
Thậm chí, có tỷ phú hộ khẩu ở huyện Đăk Tô, nhưng làm giàu nhờ dược liệu của Tu Mơ Rông. Đó là câu chuyện của chị Y Hoa (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô). Năm 2012, sau khi vay 80 triệu đồng, chị đã lặn lội vào xã Măng Ri, Tê Xăng mua sâm dây, táo mèo và 8 loại dược liệu khác về sơ chế rồi xuất bán đi khắp các tỉnh thành. Dần dà, chị tiếp tục trồng cà phê, cây ăn trái.
Đến nay, nguồn thu của chị chiếm phần nhiều từ mua bán dược liệu. “Tu Mơ Rông có tiềm năng dược liệu, mình biết như vậy vì mình có thời gian sống ở đây. Vì biết thế mạnh của Tu Mơ Rông là dược liệu nên mạnh dạn vay vốn đầu tư, kết quả đã kiếm được nhiều tiền từ nó. Hiện, mình đã thành lập hợp tác xã tại Măng Ri nhằm chủ động vùng nguyên liệu cũng như kiểm soát chất lượng”- chị Y Hoa nói.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết: Chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu là Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, năm 2022, có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu. Những người này có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng. Trong đó, tỷ phú dược liệu có thể phân thành 2 dạng. Đó là lớp già tiên phong với những cái tên đã nổi tiếng như A Sỹ, A Tôn, Y Hlạng. Còn lại là lớp của những người trẻ dám dấn thân, nhanh nhạy với thời cuộc. Số lượng tỷ phú thuộc lớp này rất nhiều. Điểm chung là họ biết khai thác giá trị của cây dược liệu, biến loại cây vốn là thế mạnh của vùng đất họ ở trở thành cây làm giàu cho chính họ.
Phúc Nguyên (còn nữa)