Dấu ấn từ quyết tâm và sự linh hoạt
Bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 lấp lánh những gam màu sáng, khi nhiều nhóm ngành tăng trưởng ấn tượng. Có thể thấy, sự quyết tâm và những chỉ đạo, điều hành kịp thời, hợp lý, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã để lại dấu ấn rõ nét.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Bước vào năm 2022, phát triển kinh tế - xã hội được dự báo có nhiều khó khăn, trong bối cảnh dịch Covid-19 và tác động từ giá các loại hàng hóa thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu, hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta kết thúc 6 tháng đầu năm 2022 với sự khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Theo Cục Thống kê tỉnh, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước 2.337 tỷ đồng, đạt 58,4% dự toán; bằng 155,1% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7.307 tỷ đồng, tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021.
Mức tăng trưởng trên là rất quan trọng, cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực; hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch.
Đáng tự hào là các nhóm ngành đều có mức tăng cao, như nhóm ngành công nghiệp, nhờ đà phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khoảng 20,62% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự phục hồi của kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp ghi nhận tín hiệu khởi sắc. Đến hết tháng 6/2022, có khoảng 195 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 62% kế hoạch và tăng 43% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 3.550 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch.
Có 85 doanh nghiệp hoạt động trở lại; thành lập mới 17 hợp tác xã, đạt 56,7% kế hoạch, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh nên năng suất các loại cây trồng đạt khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ phát triển mạnh.
|
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục. Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức đã giúp cho lĩnh vực này từng bước trở lại sôi động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022, ước đạt 16.622,21 tỷ đồng, tăng 38,54% so với cùng kỳ năm trước. Chính sách mở cửa trở lại du lịch của Chính phủ, cùng với việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch đã thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tăng 17,96 % so với cùng kỳ năm trước. Đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.
|
Giải quyết việc làm được chú trọng, với số lao động có việc làm là 323.012 người, chiếm 99,33% lực lượng lao động trên toàn tỉnh; số người thất nghiệp khoảng 2.191 người, tỷ lệ thất nghiệp là 0,67%, giảm 0,45% so với cùng kỳ năm trước.
Những thành tích đạt được sau 2 năm gồng mình chống dịch bệnh Covid-19 là rất đáng tự hào, góp phần tạo thế và lực để tỉnh ta tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu về kinh tế-xã hội năm 2022.
Tạo xung lực mới
Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Đáng chú ý là vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp chậm được giải quyết; thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng; vi phạm Luật Lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp...
Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng, dù cao hơn so với cùng kỳ (24,2%). Tính đến ngày 31/5, mới giải ngân được 31,43% thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 địa phương đã giao.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, hành trình phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức. Trong đó có tác động mạnh mẽ từ thị trường nguyên, nhiên liệu tăng giá mạnh, kéo theo giá cả một số ngành hàng thiết yếu, nhất là vật tư nông nghiệp. Một số loại nông sản khó khăn trong công tác tiêu thụ, gây bất lợi cho người sản xuất.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 10% trở lên, UBND tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; bao gồm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư; các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; kích cầu du lịch.
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo xung lực mới; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực gắn với việc xây dựng Chính quyền điện tử.
Dù phía trước còn không ít khó khăn, nhưng qua 6 tháng phục hồi và phát triển, sự quyết tâm và những chỉ đạo, điều hành kịp thời, hợp lý, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã để lại dấu ấn rõ nét, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Hồng Lam