Đảm bảo hoàn thành mục tiêu trồng mới các loại cây chủ lực
Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022, tỉnh ta đặt ra mục tiêu trồng mới 3.000ha cây ăn quả; 1.000ha mắc ca, 500ha sâm Ngọc Linh và 2.000ha các loại dược liệu khác. Các ngành, địa phương đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, các địa phương, đơn vị đã đăng ký diện tích trồng được 2.484.5ha dược liệu và sâm Ngọc Linh, đạt 99,4% kế hoạch. Các địa phương đã giao chỉ tiêu trồng mới cây ăn quả và cây mắc ca năm 2022 đến từng xã, phường, thị trấn để tổ chức thực hiện. Theo đó, diện tích cây ăn quả đã giao là 3.011,7/3.000ha, cây mắc ca là 1.021,8/1.000ha, vượt kế hoạch đề ra.
Để đảm bảo việc xuống giống gieo trồng vụ mới, nguồn giống là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị khoảng 5 triệu cây sâm Ngọc Linh, trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp đã chuẩn bị được khoảng 4,82 triệu cây giống, tương đương 482ha; các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei chuẩn bị khoảng 180.000 cây giống. Đối với các giống cây dược liệu khác, các huyện, thành phố của tỉnh đã chủ động ký kết với các hợp tác xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, các đơn vị chuyên cung ứng cây giống như Ban quản lý dự án Măng Đen, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh và một số cơ sở ươm giống tư nhân để đảm bảo nguồn giống có chất lượng phục vụ nhu cầu của người trồng.
Đối với cây ăn quả, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống ăn quả trên địa bàn tỉnh sản xuất được khoảng 30% nhu cầu cây giống của người dân. Vì vậy, nhiều chủ cơ sở đã chủ động nhập nguồn giống từ ngoài tỉnh về bán. Giống cây ăn quả được cung ứng chủ yếu là: Chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, bơ boot, xoài, cam, sầu riêng...
|
Riêng giống cây mắc ca, Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum thuộc Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cam kết sản xuất và cung ứng đủ số lượng để trồng cho 1.000ha với chất lượng đạt chuẩn theo quy định.
Đến hết tháng 6, tổng diện tích dược liệu trồng mới đạt 667,3 ha, trong đó, sâm Ngọc Linh đạt 13,1 ha; cây dược liệu khác đạt 649 ha; diện tích cây ăn quả trồng mới là 851,74 ha và diện tích cây mắc ca là 302,97 ha. Theo kế hoạch mùa vụ, tiến độ và chỉ tiêu trồng mới các loại cây trồng này đều vượt so với kế hoạch.
Hiện nay đang là giai đoạn cao điểm xuống giống trồng các loại cây, do đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra theo đúng tiến độ và kế hoạch thời vụ.
Ông Huỳnh Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả kinh tế khi đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Đảng sâm, lan kim tuyến, đương quy, ngũ vị tử, nấm dược liệu; duy trì vùng sản xuất dược liệu hiện có. Đồng thời, triển khai thực hiện Dự án đầu tư phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
|
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tích cực nghiên cứu, lựa chọn, hướng dẫn các địa phương và người dân trồng những loại cây ăn quả có tiềm năng và lợi thế, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của tỉnh chứ không trồng dàn trải, trong đó, tập trung vào một số cây ăn quả chính như bơ, sầu riêng, cây có múi (cam, chanh và bưởi), chuối, chanh dây… Rà soát diện tích đang trồng bời lời, sắn, lúa rẫy năng suất thấp, kém hiệu quả và diện tích cao su, cà phê hết chu kỳ kinh doanh để đưa vào kế hoạch thực hiện trồng mới cây ăn quả và mắc ca giai đoạn 2022-2025; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thương hiệu, quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xúc tiến thương mại.
Thiên Hương