Đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm OCOP
An toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí quan trọng để xét duyệt các sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường mà còn tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm và niềm tin với người tiêu dùng.
|
Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên ở thị trấn Măng Đen là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Organic. Hợp tác xã có 2 cơ sở chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả vùng ôn đới như cà chua, cà rốt, ớt chuông, su su, xà lách, các loại rau cải...
Chị Trần Ngọc Diệp - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Để có được sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), quy trình sản xuất phải không sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học nào; chỉ sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, không có hại cho sức khỏe con người. Hiện, sản phẩm của Hợp tác xã được Công ty Hương Đất ở Thành phố Hồ Chí Minh thu mua toàn bộ với sản lượng 5 tấn/tháng”.
Cùng với Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên ở thị trấn Măng Đen, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo ATTP; nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm tạo sự chuyên nghiệp. Tiêu biểu như Công ty Thảo dược Tây Nguyên đầu tư nhà xưởng, đảm bảo quy trình sản xuất với số tiền hàng tỷ đồng, đến nay Công ty đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh; Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng đầu tư công nghệ sàng lọc, phơi sấy nhằm tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao; Công ty TNHH Vinnate đầu tư hệ thống sấy lạnh và nghiền siêu mịn bằng cối đá granite cho sản phẩm Hộp quà hồng đẳng sâm Vinnate… Chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất đã và đang tạo ra sự chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, nhất là ATTP cho sản phẩm OCOP địa phương.
Theo ông Huỳnh Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với các sản phẩm nông nghiệp, một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt OCOP là vấn đề chất lượng vệ sinh ATTP. Thực tế cho thấy, không chỉ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP chú trọng đưa ra thị trường những sản phẩm uy tín, chất lượng mà các địa phương, đơn vị cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP và tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn.
Với mục tiêu phát triển bền vững sản phẩm, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng ban hành chu trình chuẩn OCOP và Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp tỉnh. Trong đó, quy định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành áp dụng cho các nhóm ngành, hàng. Đặc biệt, yêu cầu càng khắt khe hơn là phải chấp hành các quy định của Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa…, đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với phụ gia thực phẩm, nhất là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện vấn đề kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP đối với sản phẩm OCOP cũng còn gặp không ít khó khăn do các cơ sở sản xuất có quy mô còn nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; nông dân chưa quen với việc ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Liêm cho biết: “Để kiểm soát chất lượng các sản phẩm OCOP bán ra thị trường, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như việc giết mổ gia súc, gia cầm; tiến hành giám sát ATTP đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh trong chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP”.
Quốc Tuấn