Đăk Tô - Phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo
Nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện, huyện Đăk Tô thẳng thắn nhìn nhận, địa phương chưa đạt chỉ tiêu về công tác giảm nghèo. Trên cơ sở nhìn thẳng sự thật, phân tích các kết quả và nguyên nhân, địa phương đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu nửa cuối nhiệm kỳ còn lại sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Kon Đào là xã được chọn “về đích” trong xây dựng nông thôn mới vào năm 2018 của huyện Đăk Tô. Để đạt mục tiêu đề ra, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, địa phương đã tập trung nguồn lực thực hiện đồng bộ các tiêu chí, trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ông Dương Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Kon Đào cho hay: Nếu như đầu nhiệm kỳ 2015-2020, tỉ lệ hộ nghèo của xã Kon Đào đã đạt dưới 7%, đảm bảo quy định về chuẩn nông thôn mới, thì đến năm 2016, tính theo tiêu chí nghèo đa chiều, tỉ lệ hộ nghèo cả xã lại tăng lên 24,3%. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 15,3%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 32,5 triệu đồng/năm.
|
Ông Dũng cho rằng, để đạt được kết quả phấn khởi này là nhờ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo, tập trung đầu tư, giúp đỡ người nghèo tại 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình kinh tế; phân công các đồng chí trong cấp ủy phụ trách địa bàn và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con tham gia các mô hình trồng cà phê, chăn nuôi bò,… để tăng thêm nguồn thu nhập.
Hiện, xã Kon Đào đang phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 7% để “về đích” nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đề ra, xã đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện cho những hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn, xây dựng mô hình phát triển cây cà phê sử dụng phân sinh thái cho 22 hộ dân tại 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích hơn 11ha (tổng kinh phí 340 triệu đồng); mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp (đã phát triển mô hình được 44 con bò ở các thôn người Kinh)…
Anh A Thiên ở thôn Đăk Lung (xã Kon Đào) cho biết, năm 2014, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh được bố mẹ cho 1ha đất trồng mì và gần 3 sào đất để trồng cà phê. Do không có vốn đầu tư chăm sóc cho vườn cây nên năm 2016, vườn cà phê cho năng suất rất thấp, bán ra chỉ được hơn 2 triệu đồng. Năm 2017, được tham gia vào mô hình phát triển cây cà phê sử dụng phân sinh thái, nhờ được hướng dẫn về kỹ thuật cắt tỉa chồi, hỗ trợ phân bón, vườn cà phê đã phát triển rất tốt. Hiện tại, vườn cây cho trái trĩu quả, hy vọng vụ thu hoạch năm nay sẽ đạt năng suất cao.
Ngoài được hỗ trợ chăm sóc vườn cà phê, A Thiên còn khoe với chúng tôi mới được Hội Nông dân xã chuyển cho 1 con bò sinh sản để chăn nuôi theo hình thức luân chuyển, vừa phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa có thể tận dụng được nguồn phân chuồng bón cho cây trồng.
Cùng được hỗ trợ tham gia mô hình như anh A Thiên là A Thanh Tú ở thôn Kon Đào 1 (xã Kon Đào). A Thanh Tú kể: Năm 2013, dùng hết số tiền dành dụm được, vợ chồng trồng được 5 sào cà phê. Năm 2015, đến thời kỳ thu hoạch thì vườn cây cho trái rất ít. Qua tìm hiểu từ các nhà vườn trồng cà phê, A Thanh Tú phát hiện, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do không am hiểu về kỹ thuật trồng trọt nên mật độ cây trồng quá dày, không biết cách chăm sóc vườn cây.
Với quyết tâm thoát nghèo, A Thanh Tú đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng lại 5 sào cà phê. Năm 2017, sau khi đăng ký tham gia vào mô hình phát triển cây cà phê sử dụng phân sinh thái, A Thanh Tú được tập huấn, hướng dẫn rất kỹ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê nên đến nay vườn cây đã phát triển rất tốt, cho trái trĩu quả.
A Thanh Tú vui mừng: Ngoài được hỗ trợ phân bón và cách thức chăm sóc cây cà phê, gia đình tôi còn được hỗ trợ trồng xen 30 cây sầu riêng từ dự án để thử nghiệm mô hình, đồng thời giúp gia đình có cơ hội tăng thêm nguồn thu nhập về sau.
Nhận thức về tầm quan trọng của việc phải bón phân cho cây trồng, mới đây, A Thanh Tú còn đầu tư mua 1 con bò sinh sản trị giá 5 triệu đồng để chăn nuôi, vừa phát triển đàn bò, vừa lấy nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư mua phân hóa học chăm sóc cho vườn cây sau 3 năm kết thúc dự án hỗ trợ. A Thanh Tú cho biết, gia đình anh đang phấn đấu đến cuối năm 2018 này sẽ thoát nghèo.
Trong giai đoạn 2016-2017, mặc dù huyện Đăk Tô đã nỗ lực đưa được 1 xã và 6 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (gồm xã Pô Kô và 1 thôn thuộc xã Diên Bình, 3 thôn thuộc xã Pô Kô, 2 thôn thuộc xã Tân Cảnh) và giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 17% xuống còn 14%. Tuy nhiên, tính từ nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện mới chỉ giảm bình quân 2,76%/năm, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (bình quân 3%/năm).
Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết, nguyên nhân là do những năm gần đây, giá cả nông sản bấp bênh, điều kiện thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người dân. Ngoài ra, huyện còn đến 4 xã đặc biệt khó khăn gồm Văn Lem, Đăk Trăm, Ngọk Tụ và Đăk Rơ Nga có tỉ lệ hộ nghèo đều nằm trên mức 20% cũng là một khó khăn lớn trong công tác giảm nghèo của huyện.
Ông Sa Phương giải thích: Theo kế hoạch giảm nghèo của huyện, bình quân mỗi năm giảm 3% tỉ lệ hộ nghèo. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng đã đặt ra mục tiêu giảm nghèo bằng mức chung của huyện là 3%/năm. Trong khi đó, huyện đã có 2 xã đạt nông thôn mới (Diên Bình và Tân Cảnh) và thị trấn Đăk Tô có tỉ lệ hộ nghèo rất thấp, không thể giảm nghèo ở mức 3%/năm; còn đối với những xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là 4 xã đặc biệt khó khăn thì với mức giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân đưa ra hàng năm là 3%/năm lại quá thấp, đã ảnh hưởng đến tiến độ công tác giảm nghèo chung toàn huyện. Huyện đã chỉ đạo các xã khó khăn tập trung giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 5 - 7%/năm.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Đăk Tô tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong dân; đề nghị các cơ quan kết nghĩa theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy phụ trách các thôn làng mỗi năm giúp đỡ từ 1 - 2 hộ gia đình thoát nghèo; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là triển khai thí điểm phương án là hỗ trợ sau đầu tư, trước mắt sẽ thí điểm tại 2 xã Đăk Trăm và xã Ngọk Tụ theo hình thức hộ dân tự ứng trước, sau khi nghiệm thu mới hỗ trợ, giúp người dân thấy được trách nhiệm khi thụ hưởng chính sách, tránh lãng phí trong đầu tư; hỗ trợ tín dụng cho người nghèo...
Bài, ảnh: Tú Quyên