Đăk Tô đẩy mạnh phát triển chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
Thời gian qua, huyện Đăk Tô tích cực xây dựng, phát triển các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo nhiều điều kiện để hội viên nông dân có cơ hội liên kết, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình nông dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Thăng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Tô khẳng định: Sự hình thành của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, tạo môi trường thuận lợi để người dân hợp tác, liên kết trong sản xuất. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đăk Tô tập trung chỉ đạo từng bước xây dựng, phát triển các chi hội, tổ hội nghề nghiệp nông dân tại các địa phương, các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội Nông dân định hướng, hướng dẫn các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đi vào hoạt động thực chất, có chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo đó, để xây dựng và phát triển các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên về vai trò và lợi ích của các chi, tổ hội nghề nghiệp đối với các mô hình phát triển kinh tế; giao chỉ tiêu thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp về cơ sở để quản lý; phối hợp tổ chức tập huấn về tư vấn, tổ chức thành lập và quản lý các mô hình tổ liên kết, chi, tổ hội nghề nghiệp cho các cán bộ ở cơ sở...
Đến nay, một số mô hình của các tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Tô bước đầu phát huy hiệu quả, tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhiều tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp sau thời gian hoạt động hiệu quả đã mạnh dạn đầu tư, tiến tới thành lập HTX để nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, huyện Đăk Tô đang duy trì hoạt động có hiệu quả 5 tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 70 thành viên và người lao động tham gia, tiêu biểu như : Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò bán công nghiệp tại thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô với 10 thành viên, số vốn 1,3 tỷ đồng, doanh thu hằng năm trên 300 triệu đồng; Tổ trồng và chăm sóc, phát triển cà phê tại thôn 3, xã Tân Cảnh với 11 thành viên, số vốn 1,1 tỷ đồng và 46,7 ha đất canh tác, doanh thu hằng năm từ 700-1,5 tỷ đồng...
|
Chúng tôi đến thăm Tổ hội nông dân nghề nghiệp “Nuôi heo sọc dưa và heo địa phương” được thành lập vào đầu năm 2021 tại thôn Tê Pên (xã Văn Lem). Mô hình được thành lập với 6 thành viên và hiện có 12 lao động làm việc tại đây, tất cả đều là người dân tộc Xơ Đăng. Mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Chị Y Huy- Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Lem (cũng là thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp “Nuôi heo sọc dưa và heo địa phương”) cho biết: “Hiện tại mô hình có 200 con heo, hộ nhiều nhất là 170 con, hộ ít nhất có 6 con. Nhờ có mô hình, các hội viên có thể cùng nhau trao đổi, san sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi để giảm rủi ro, tăng giá trị sản phẩm. Hội đang tiến hành rà soát, vận động các hộ chăn nuôi heo khác để kết nạp thêm thành viên, tiến tới mở rộng quy mô để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn, mang lại thu nhập cho nông dân”.
HTX Thảo dược cộng đồng Văn Lem ở thôn Tê Pên (xã Văn Lem) cũng là một ví dụ trong việc hoạt động hiệu quả, tạo được lan tỏa trong cộng đồng. Xuất thân từ Tổ hợp tác trồng thảo dược, sau thời gian hoạt động hiệu quả, vào năm 2020, các thành viên quyết định mở rộng quy mô, thành lập HTX trong lĩnh vực trồng thảo dược như sâm dây, sắn dây, hoài sơn, ba kích, hoàng sin cô...
Anh A Kên- Giám đốc HTX cho biết: “Bước đầu đi lên HTX, chúng tôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật. Tuy nhiên, với quyết tâm của các thành viên, hoạt động của HTX đang đi đúng hướng, lựa chọn được những sản phẩm chủ lực. Một trong số đó có thể kể đến dược liệu hoàng sin cô mà chúng tôi đang phát triển, được lấy giống từ vùng núi phía Bắc, qua thời gian thử nghiệm đã chứng minh được sự phù hợp, hiệu quả với vùng đất Văn Lem.
Ông Võ Đình Thăng cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đăk Tô sẽ tiếp tục chỉ đạo cấp hội cơ sở tích cực tuyên truyền về các mô hình tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các xã Đăk Trăm, Đăk Rơ Nga, Ngọc Tụ và Kon Đào đẩy mạnh thành lập Tổ hội Nông dân nghề nghiệp theo kế hoạch.
Hoàng Thanh