Đăk Hà: Quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi
Thời gian qua, các địa phương cơ sở của huyện Đăk Hà tiến hành lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước để tổ chức quản lý, khai thác, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho người dân, góp phần hoàn thành, củng cố tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) hiện nay có 5 công trình thủy lợi, gồm 3 đập thủy lợi nhỏ do UBND xã Ngọc Wang quản lý và Ban quản lý- khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý 2 hồ chứa.
Hằng năm, để quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, UBND xã sử dụng hợp lý nguồn dịch vụ công ích thủy lợi được phân bổ, tổ chức sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình; đồng thời, vận động người dân có diện tích gieo trồng được cung cấp nước tưới tham gia vào công tác vận hành và chung tay bảo vệ các công trình.
|
Ông Ngô Tấn Khoa- Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang chia sẻ, từ nguồn dịch vụ công ích thủy lợi được phân bổ khoảng 35 triệu đồng mỗi năm, UBND xã Ngọc Wang sử dụng nguồn tiền này để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng đảm bảo hoạt động cho các đập thủy lợi và sửa chữa, xây mới các tuyến kênh mương nội đồng. Trước khi bước vào vụ sản xuất hay mùa mưa bão, UBND xã đều vận động người dân tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng và phát quang, dọn dẹp khu vực các đập thủy lợi.
Hiện nay, xã Ngọc Wang có 13,8/29,5km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Tỷ lệ diện tích gieo trồng trên địa bàn được tưới và tiêu nước chủ động đạt trên 80% (đạt chuẩn tiêu chí số 3-Thủy lợi và phòng, chống thiên tai) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
|
Trên địa bàn xã Đăk Ngọk hiện có 7 công trình thủy lợi, gồm 5 hồ chứa do UBND xã Đăk Ngọk quản lý và 2 hồ chứa do Ban quản lý - khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý. Các công trình cung cấp nước tưới cho vùng gieo trồng rộng hơn 370ha cho xã Đăk Ngọk, chủ yếu trồng các loại cây lúa, cà phê, khoai, dưa hấu, cây ăn quả.
Ông Trần Đức Trọng - Chủ tịch UBND xã Đăk Ngọk cho biết, các hồ chứa trên địa bàn xã Đăk Ngọk chủ yếu cung ứng nước tưới cho các diện tích trồng cây lúa và cà phê. Mỗi năm, từ nguồn dịch vụ công ích thủy lợi được phân bổ hơn 70 triệu đồng, xã Đăk Ngọk đều trích 20% nguồn kinh phí này để xây mới các tuyến kênh mương nội đồng. Đến nay, xã Đăk Ngọk có 12,5/25,4km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Xã cũng đạt chuẩn tiêu chí số 3- Thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Hiện nay toàn huyện Đăk Hà có 34 công trình đập, hồ chứa nước (do UBND các xã quản lý) và 32 công trình đập, hồ chứa nước do Ban quản lý- khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý. Tổng diện tích gieo trồng được cung cấp nước tưới từ các công trình là 5.711ha. Đối với các đập, hồ chứa nước do Ban quản lý- khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý, hiện nay, một phần diện tích mặt nước các đập, hồ chứa nước (hơn 18ha) được cho người dân địa phương thuê để nuôi trồng thủy sản.
|
Ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà đánh giá, từ nguồn dịch vụ công ích thủy lợi được phân bổ tuy không nhiều, nhưng UBND các xã đã sử dụng tổ chức xây mới, sửa chữa, nâng cấp hiệu quả, đảm bảo hoạt động cho các công trình đập, hồ chứa và hệ thống kênh mương. Đến nay, 10 xã trên địa bàn huyện đều đã đạt chuẩn tiêu chí số 3- Thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Toàn huyện cũng có 98/142km kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa.
“Trong thời gian đến, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan của huyện và tỉnh tổ chức rà soát, đảm bảo vận hành, hoạt động cho các công trình đập, hồ chứa và hệ thống kênh mương nội đồng. Tăng cường công tác vận động người dân hưởng lợi từ các công trình thủy lợi tham gia gìn giữ và sử dụng hiệu quả. Từ đó, phát huy tối đa năng lực thiết kế của các công trình, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn và tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân” - ông Hưng cho hay.
Đức Thành