Đăk Glei: Phát huy hiệu quả vốn vay từ NHCSXH
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những năm qua, hàng nghìn lượt hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Glei có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Đăk Glei đã có không ít hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Có được điều này ngoài sự nỗ lực của mỗi gia đình, còn có sự quan tâm các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị- xã hội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.
Bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ, nguồn vốn vay đãi từ NHCSXH huyện Đăk Glei đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn có nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế gia đình. Lý do để bà con nông dân yên tâm khi vay vốn từ NHCSXH chính là vì lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ gốc và lãi khá dài, từ đó, tạo tâm lý thoải mái để bà con yên tâm phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất, giúp bà con thoát nghèo bền vững.
|
Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Đăk Glei, ông Nguyễn Đình Nguyên - Chủ tịch UBND xã Đăk Choong cho biết: Trong những năm qua, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã có nhu cầu vốn để đầu tư phát triển sản xuất đã được chính quyền, các đoàn thể chính trị- xã hội của địa phương tạo điều kiện vay tín chấp với lãi suất ưu đãi để triển khai các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính nhờ nguồn vốn vay này mà nhiều mô hình phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi được người dân mạnh dạn triển khai có hiệu quả, đem lại kinh tế ổn định cho người dân; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm qua từng năm, đời sống nhân dân ngày càng tăng cao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông A Nâm ở Làng Mới, xã Mường Hoong là một trong những hộ dân thoát nghèo, vươn lên nhờ vốn vay từ NHCSXH. Từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH huyện Đăk Glei thông qua Hội Nông dân xã, năm 2018, gia đình ông A Nâm mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng 400m2 sâm dây và mua heo giống về nuôi lấy thịt cung cấp cho thị trường. Sau nhiều lứa xuất chuồng bán heo thịt cùng với thu hoạch sâm dây, gia đình A Nâm không những đã thoát được nghèo mà còn tích cóp được tiền mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt có giá trị trong gia đình.
Ông A Nâm chia sẻ: Việc được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp gia đình chúng tôi có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chính nhờ từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, góp phần quan trọng đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Từ chỗ là hộ nghèo, giờ đây gia đình tôi vươn lên trở thành một trong những gia đình khá giả của thôn Làng Mới. Thu nhập bình quân của gia đình tôi những năm gần đây ổn định từ 60 - 70 triệu đồng.
Cũng như gia đình ông A Nâm, gia đình chị Y Ái ở thôn Kon Boong, xã Đăk Môn trước đây thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Do không có tài sản thế chấp, không có vốn làm ăn nên hoàn cảnh gia đình Y Ái hết sức khó khăn. Năm 2017, gia đình chị Y Ái được NHCSXH huyện Đăk Glei cho vay ưu đãi 40 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Có vốn, gia đình chị Y Ái đầu tư mua 2 con bò, trồng thêm cao su, bời lời, nuôi gà. Hiện nay, diện tích cao su, bời lời gia đình chị Y Ái đang phát triển tốt, thời gian này vợ chồng chị Y Ái đang tích cực chăm sóc rừng cây và chăn nuôi đàn bò 6 con.
Bà Dương Thị Hoa- Giám đốc NHCSXH huyện Đăk Glei cho biết: Những năm qua, NHCSXH huyện đã triển khai nguồn vốn vay ủy thác thông qua 4 tổ chức hội đoàn thể gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Các tổ chức đoàn- hội kể trên đã thành lập được 192 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 93 thôn, làng trên địa bàn huyện. Nhìn chung các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ hướng dẫn các hộ có nhu cầu thực hiện thủ tục vay vốn và giúp nhau triển khai các mô hình phát triển kinh tế. Vốn vay chủ yếu sử dụng trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, xây dựng nhà ở. Nhờ biết sử dụng vốn có hiệu quả nên đời sống bà con ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo có cuộc sống khá giả, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm.
Bảo Châu