Cuối vụ khai thác - Thị trường mủ cao su “ấm lên”
Gần 2 tháng nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên địa bàn tỉnh ta liên tục tăng. Đây là tín hiệu vui cho người trồng trong thời điểm cuối vụ khai thác.
Hiện tại, giá mủ cao su trên địa bàn tỉnh được thương lái thu mua vào khoảng 270 - 275 đồng/độ; tương đương mức giá 8.200 đồng/kg đối với mủ chén ướt, 10.500 đồng/kg đối với mủ đông khô, mủ chén dây vừa có giá bán 10.200 đồng/kg… Mức tăng giá này là theo xu hướng chung của thị trường trong nước và thế giới. Báo cáo đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, giá xuất khẩu cao su trong nước bình quân tháng 10/2019, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, đầu vụ khai thác, giá mủ cao su trên địa bàn tỉnh ta cũng ở ngưỡng tương đối cao, khoảng 280 - 290 đồng/độ, nhưng khi vào chính vụ cạo, giá mủ lại đi xuống và có thời điểm chỉ còn khoảng 230 đồng/độ. Tuy nhiên, từ tháng 10 trở lại đây, giá mủ cao su liên tục nhích lên. Tuy chưa phải là mức giá cao so với thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su, nhưng so với cùng kỳ năm trước, giá mủ cao su đã tăng khoảng 2.000 đồng/kg đem đến niềm vui, sự lạc quan cho người trồng cao su và các doanh nghiệp trồng, chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh.
Theo tính toán của người dân, chỉ cần giá mủ cao su duy trì ở mức 250 đồng/độ là người trồng đã có lãi. Những hộ có diện tích cao su lớn sẽ có thu nhập cao.
|
Ông Nguyễn Văn Hoài (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Nhà tôi có 5ha cao su đang trong giai đoạn khai thác ổn định, bình quân mỗi lần cạo tôi thu được từ 50 – 55kg mủ/ha. Với giá bán như hiện nay và cách thức khai thác D2 (tức là 1 ngày cạo, 1 ngày nghỉ) thì sau khi trừ tất cả các khoản chi phí như: thuê nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt mối, dụng cụ... mỗi ha tôi vẫn còn lời được 3,7 – 4 triệu đồng. Như vậy, với 5ha, mỗi tháng tôi cầm chắc trong tay khoản lời từ 18 - 20 triệu đồng.
Với những hộ chỉ có 1 – 2ha cao su thì giá mủ cao su hiện tại cũng giúp các gia đình có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống, nhất là các hộ có nhân công khai thác thì thu nhập sẽ cao hơn.
Giá mủ tăng kéo theo việc tiêu thụ cao su của người dân cũng trở nên thuận lợi hơn, bởi các thương lái, đại lý hào hứng hơn trong thu mua. Điều đặc biệt là, khi giá mủ tăng lên, người nông dân sẽ không phải chịu cảnh bị ép giá như thời điểm giá cả đi xuống.
Những năm qua, thị trường mủ cao su biến động khó lường khiến người trồng nhiều phen lao đao, một số gia đình đã chuyển đổi diện tích cao su già cỗi sang trồng các loại cây khác. Nhưng con số này không đáng kể, đa phần người dân vẫn gắn bó và phát triển vườn cao su của mình. Chính vì vậy, cây cao su luôn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh ta và được xem là loại cây giúp nông dân thoát nghèo với tổng diện tích hiện có của toàn tỉnh vào khoảng 74.700 ha.
Giá mủ cao su tăng lên đem đến niềm vui cho người nông dân, giúp họ thêm tin tưởng vào loại cây trồng này; việc tăng giá lại đúng vào những tháng cuối năm càng khiến người trồng phấn khởi vì có thêm thu nhập để sắm sửa đón Tết. Người trồng cao su hy vọng giá mủ cao su sẽ tiếp đà tăng để họ có thêm thu nhập và động lực để đầu tư cho vườn cây trong vụ khai thác năm sau.
Ngọc Thắng