Chuyện vui Sê San
Bây giờ thì làng chài ở lòng hồ thủy điện Sê San 4 đã có tương lai sáng rồi. Đời sống ổn định, trên bờ có nhà, dưới sông có nhà bè, con em được học hành đàng hoàng. Vui nhất là đi làm đã có hợp tác xã, không còn tự phát, mạnh ai nấy làm nữa - anh Nguyễn Văn Triều vừa chèo xuồng vừa thung dung nói...
Đất lạ hóa quê hương
Với những người làm báo thích rong ruổi thì làng chài ở lòng hồ Thủy điện Sê San 4 luôn là địa chỉ hấp dẫn, mời gọi. Tôi cũng không ngoại lệ. Đã nhiều lần tôi theo chân cư dân làng chài lang thang trên lòng hồ, chiều về có thể ghé vào bất kỳ nhà bè nào để lai rai.
Còn nhớ, lần đầu tiên theo chân Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lộc (bây giờ là Bí thư Huyện ủy Ia H'Drai) vào làng chài, tôi đã mê mải nằm trên mũi thuyền máy mà ngắm nhìn lòng hồ mênh mang cuồn cuộn sóng. Và, tôi chợt nhận ra, khi làng chài rọi bóng xuống mênh mông biển nước Sê San sẽ lung linh, huyền ảo, phong cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Sau lần ấy, tôi có thêm nhiều bạn bè, toàn những người chân thành, chất phác, nghĩa tình. Anh Nguyễn Văn Triều (thường gọi là Hai Triều), lúc nào cũng sẵn lòng đưa tôi "đi một vòng" để đắm mình trong thú vui dập dềnh trên sóng nước.
Năng đi lại thành thân quen, cư dân làng chài cũng trải lòng với tôi. "Chúng tôi có duyên với đất này - Hai Triều rủ rỉ - dân ở đây từ tứ xứ tụ hội về, từ Hải Dương, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, rồi An Giang, Long An, thậm chí ở tít Cà Mau... Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng đều giống nhau ở chỗ là từng sống trôi dạt, cơ cực ở nhiều vùng đất, trước khi bám trụ nơi Sê San mênh mông sóng nước này".
Hai Triều là một trong những người đầu tiên tìm đến lòng hồ Thủy điện Sê San 4. Ấy là vào năm 2009. Chân ướt, chân ráo tới đây, không có đất, không có nghề nghiệp, giấy tờ tùy thân cũng không, tài sản chỉ có con thuyền và mấy tay lưới, gia đình anh vật vã trong cuộc mưu sinh, đôi lúc còn phải chạy lòng vòng “né” các đoàn kiểm tra...
Dòng Sê San, rồi sau này là lòng hồ Thủy điện Sê San 4 mênh mông rộng lòng đón những người con lưu lạc các nơi tụ về. Với nguồn thủy sản dồi dào, có nhiều loại cá ngon như cá lăng, cá anh vũ, cá mè dinh…, đời sống của họ bớt dần cơ cực. Tiếng lành đồn xa, dần dà, một số gia đình nghèo từ nhiều nơi cũng tìm đến đây mưu sinh.
Thế là làng chài mọc lên giữa bốn bề rừng núi!
Cùng phận nghèo, cùng cảnh xa xứ, cư dân làng chài hết mực yêu thương, đùm bọc nhau. Rồi đất lạ cũng thành quê hương. Với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và chính quyền địa phương, những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính từng bước được tháo gỡ, hầu hết người dân ở làng chài đã có hộ khẩu, được cấp đất làm nhà trên bờ, con em được đến trường học hành đàng hoàng.
Cuối năm 2017, niềm vui ngỡ như bình thường với những cư dân nơi khác nhưng với dân ở làng chài đó là một dấu ấn lớn, niềm vui như vỡ òa - đó là những đứa trẻ, thế hệ thứ 2 của làng chài, đã tự tin nắn nót ghi vào học bạ: Hộ khẩu thường trú - thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai.
Dập dìu hợp tác
Bây giờ làng chài đã có tới 29 hộ. Họ không phải sống lang thang sông nước nữa mà quần tụ lại thành xóm, có địa chỉ hành chính hẳn hoi. Nhà nào cũng nuôi cá lồng, chủ yếu là cá thác lác cườm, lăng đuôi đỏ, trắm cỏ, bống, lóc bông...; nhiều nhà nuôi được vịt, trồng được rau xanh. Đặc biệt, nhà nào cũng dùng pin mặt trời; có nhà sắm được ti vi và dàn karaoke...
|
Như thường lệ, sau khi chúng tôi làm một cuộc dạo vòng quanh làng chài, chiếc thuyền tiến lại gần những căn nhà nổi. Không gian trở nên náo nhiệt hơn bởi tiếng thuyền máy, tiếng cười nói hào sảng của người lớn, tiếng ríu rít chào hỏi của trẻ nhỏ khi nhà có khách...
Bữa cơm tại nhà bè của anh Nguyễn Thành Nhân thật vui. Và, lẽ tất nhiên là tất cả các món ăn đều từ... cá, được chế biến theo đặc trưng ẩm thực miền Tây sông nước, trong đó nổi bật là món lẩu mắm đậm đà. Gắp cho tôi miếng cá lăng tươi rói, anh Nhân nói vui: Cá hợp tác đấy. Hôm nay có khách nên được ưu tiên con to nhất.
Cá hợp tác? Tôi bất ngờ với tên gọi lạ. Hai Triều nhìn tôi cười thích thú: Vào Hợp tác rồi, không làm ăn riêng lẻ như trước. Bây giờ làng chài đã có tương lai sáng hơn. Đời sống ổn định, trên bờ có nhà, dưới sông có nhà bè, cung cách làm ăn cũng phải thay đổi. Lòng hồ này có tiềm năng về du lịch, về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nhưng nếu cứ mạnh ai nấy làm, thiếu tổ chức, thiếu định hướng thì vẫn bấp bênh lắm. Thế là Hợp tác xã ra đời, gọi là Hợp tác xã Sê San nhé...
Ra vậy! Hồi đầu năm, trong một lần trò chuyện với anh Nguyễn Văn Lộc (khi ấy còn là Chủ tịch huyện), tôi có nghe anh trăn trở về chuyện làm thế nào để khai thác tiềm năng vùng lòng hồ Sê San 4, trong đó có dự định lập Hợp tác xã nghề cá, với nòng cốt là cư dân làng chài, coi đây là bước khởi đầu để xây dựng thương hiệu cá nước ngọt Sê San.
Ai ngờ, bây giờ những dự đinh ấy đã nhanh chóng thành hiện thực!
Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã Phạm Duy Vương, với 25 xã viên, toàn bộ là dân làng chài, mục tiêu chung của Hợp tác xã Sê San là hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động nuôi trồng, kinh doanh sản phẩm thủy sản; tạo việc làm, nâng cao đời sống cho các thành niên.
Hợp tác xã hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các xã viên; vốn điều lệ do các xã viên đóng; có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể. Xã viên được ưu tiên làm việc cho Hợp tác xã, được trả công lao động, cung ứng sản phẩm, dịch vụ và hưởng phúc lợi, phân phối thu nhập theo quy định. Bà con phấn khởi, tin tưởng lắm - Chủ nhiệm Vương cho hay.
Khi mới đặt vấn đề thành lập Hợp tác xã, chúng tôi cũng e dè - Hai Triều, bây giờ là Kiểm soát viên của Hợp tác xã, kể - bởi lâu nay làm tự phát quen rồi, tự bỏ vốn, tự phân phối sản phẩm làm ra, bây giờ nói góp vốn làm ăn chung, sợ bà con không ưng. Ai dè tất cả đều đồng ý, ai cũng hăng hái đóng góp. Vạn sự khởi đầu nan, ít nhất sự đồng thuận sẽ là nền tảng để Hợp tác xã làm ăn tấn tới chú à.
Mọi người vỗ tay hưởng ứng. Tiếng cười nói lan xa, lan xa trên mặt hồ mênh mang.
Dường như sóng nước Sê San cũng vui theo người dân làng chài, nên vỗ mạnh vào nhà bè, tung bọt trắng xóa...
Thành Hưng