Chuyển đổi cây trồng ở xã Đăk Xú: Những đổi thay tích cực
Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất hiệu quả; tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân xây dựng sống ngày càng no ấm.
Khi biết mục đích chuyến thăm của tôi nhằm tìm hiểu về việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Bảng - Chủ tịch UBND xã Đăk Xú đi thẳng vào vấn đề: Để thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, xã Đăk Xú chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cao su, cà phê, rau an toàn… cho người dân; đồng thời tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ giống, phân bón và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn mở rộng sản xuất. Đây là những vấn đề căn cơ nhằm giúp nông dân chuyển đổi cây trồng đúng hướng, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế trong quá trình triển khai thực hiện
Để thấy được những đổi thay ở địa phương, chúng tôi đến thôn Đăk Trang. Ở đây, tôi gặp hộ gia đình ông A Kloh.
|
Qua tâm sự, ông A Kloh bộc bạch: Ngày trước gia đình tôi khổ lắm, mùa mưa đi chăm sóc mì trên rẫy không có áo mưa phải dùng tàu lá chuối buộc vào người để lao động. “Đầu tắt mặt tối”, nhưng trồng mì chỉ là giải quyết cái đói trước mắt, không thể làm giàu, mà trồng mì lâu năm lại làm đất đai bạc màu. Thực hiện chủ trương của chính quyền xã, tôi cố gắng học hỏi kỹ thuật sản xuất và từng bước chuyển sang trồng cà phê và cao su. Bằng phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, từng bước chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện kinh tế, đến nay, gia đình phát tôi triển được 7ha cà phê, 8ha cao su; trong đó có 5ha cà phê, 3ha cao su trong giai đoạn kinh doanh.
Kể từ khi cây cà phê, cao su đi vào kinh doanh, gia đình ông A Kloh vươn lên thành hộ gia đình khá giả. Chỉ riêng vụ thu hoạch cà phê vừa qua, gia đình ông thu lãi 600 triệu đồng. Từ đồng tiền thu được, gia đình ông không chỉ xây dựng được nhà cửa khang trang, mà còn mua sắm được xe ô tô, các loại máy móc phục vụ sản xuất và các phương tiện sinh hoạt có giá trị.
Cũng từ cuộc sống khó khăn, sau nhiều năm chuyển đổi cây trồng, các hộ gia đình như bà Nguyễn Thị Sang (thôn Thung Nai), Đinh Thị Tuyết (thôn Chiên Chiết)… vươn lên thành hộ sản xuất giỏi có thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm. Từ việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, nhiều hộ dân ở xã Đăk Xú đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sổng ổn định và khá giả.
Bên cạnh cây trồng chiến lược cà phê, cao su, nhiều hộ như Ông Thế Hồng, Trần Thị Mai, Nguyễn Trung Đông (thôn Ngọc Phúc) còn vươn lên từ mô hình sản xuất rau an toàn.
Ông Nguyễn Trung Đông chuyên canh rau cho biết: Trước yêu cầu đòi hỏi của sản xuất và được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi cũng như một số hộ ở đây cải tạo ruộng lúa thiếu nước tưới vào mùa khô sang mô hình trồng rau an toàn. Tuy chỉ canh tác 5 sào rau, nhưng hàng năm sau khi khấu trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi 150-200 triệu đồng. Trồng rau an toàn có thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa.
Từ những nỗ lực trong việc thưc hiện chuyển đổi cây trồng, đến nay, xã Đăk Xú phát triển 418,5ha cà phê, 1.117,4ha cao su, 162,5ha bời lời, 23,21ha rau đậu các loại… Kinh tế địa phương có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân được nâng lên hơn nhiều so với trước; tỷ lệ hộ nghèo ở xã Đăk Xú hiện chỉ còn 4,46%.
Có thể khẳng định, với việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xã Đăk Xú không chỉ ổn định và nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần cùng các địa phương khác trong khu vực tạo ra thế và lực, xây dựng vùng biên giới Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Văn Nhiên