Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở Tân Lập
Để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, trong những năm gần đây, người dân xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và từng bước nâng cao đời sống.
Xã Tân Lập nằm trên địa bàn lưng tựa vào núi cao, mặt hướng ra sông với nhiều sườn đồi nhấp nhô như sóng lượn, ở giữa là cánh đồng được hưởng nguồn nước mát từ thủy lợi Đăk Snghe tưới quanh năm thuận lợi cho việc thâm canh cây lúa. Thế đất ấy vừa có khả năng che chở, vừa có khả năng giúp người dân trồng được những cây trồng khác nhau tùy theo chất đất của từng sườn đồi.
Theo ông Đặng Tuấn Tịnh- Chủ tịch UBND xã Tân Lập, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong những năm gần đây, bên cạnh các cây trồng truyền thống, người dân xã Tân Lập đẩy mạnh phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, bời lời…Vì vậy, đến nay người dân phát triển được 143ha cà phê, 20,56ha tiêu, 212ha cao su, gần 310ha bời lời và hơn 10ha dâu tằm…
|
Trong chăn nuôi, đàn trâu bò trên 1.000 con, đàn dê gần 500 con, đàn heo 3.500-3.600 con và đàn gia cầm trên 23.000 con. Một số hộ tận dụng các khu đất trũng nuôi các loại cá nước ngọt có thu nhập khá cao.
Sự kết hợp giữa chăn nuôi với việc phát triển các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống người dân. Trao đổi về chuyển đổi cây trồng, ông Phạm Văn Hào- Thôn trưởng thôn 3 cho biết, căn cứ trên từng khu đất (đất đỏ, đất pha cát, đất nà sông…), người dân bố trí các loại cây trồng phù hợp. Đối với đất đỏ trên các triền đồi gần nguồn nước tưới, người dân thường ưu tiên trồng cà phê và tiêu. Đối với nơi đất pha cát, đất vàng khi trồng mì bạc màu, người dân thường chuyển sang trồng cao su và bời lời. Đối với đất ô nà ven sông, bà con dành trồng bắp, dâu tằm, cây thực phẩm. Biết khai thác lợi thế từng loại đất, vì vậy, sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến.
Ở lĩnh vực nuôi cá nước ngọt, tôi gặp ông Trần Văn Tuyến (thôn 3) nuôi cá khá thành công. Không tính những năm trước, từ năm 2017 đến nay, ông Tuyến mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng thuê máy đào, xây dựng hàng loạt ao nuôi cá sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để hạ giá thành sản phẩm, ông Tuyến còn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thức ăn cho cá từ nguồn thực phẩm bắp, mì, cám gạo, đậu tương và bột cá khô…Nhờ vậy, việc nuôi cá của gia đình ông luôn thành công. Bình quân hàng tháng, gia đình xuất khoảng 1,5 tấn cá rô phi, rô đồng, trê lai… Mặc dù năm vừa qua giá cá hạ, nhưng trừ chi phí đầu tư, ông vẫn lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài việc nuôi cá, ông còn phát triển mạnh nuôi vịt, gà. Con vịt, con gà cũng giúp cho gia đình ông có thêm một nguồn thu không nhỏ.
Mới nhất và tạo nên hiệu ứng trong sản xuất nông nghiệp là việc trồng dâu nuôi tằm. Người có công học nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) về đầu tư phát triển và chuyển giao kỹ thuật trồng dâu cho người dân ở xã Tân Lập là ông Đặng Văn Tuất.
Theo ông Đặng Văn Tuất, ông trồng dâu nuôi tằm ở địa phương từ năm 2016. Sản xuất thành công, có thu nhập khá cao và đầu ra ổn định, nhiều hộ gia đình ở xã có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm được ông hỗ trợ cây giống, kỹ thuật nuôi tằm và bao tiêu kén. Vì vậy, đến nay, xã Tân Lập có khoảng 50 hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm. Giá kén hiện nay trên thị trường 150 nghìn đồng/kg. Với giá kén như hiện nay, 1 ha dâu đi vào khai thác ổn định, người trồng dâu nuôi tằm có thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ việc bán kén. Trừ chi phí đầu tư, người trồng dâu nuôi tằm lãi ròng khoảng 400 triệu đồng/ha dâu. Đó là chưa nói người trồng dâu nuôi tằm còn có thể bán nhộng và dùng nhộng tằm làm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho gia đình.
|
Ở cây trồng truyền thống như lúa nước, người dân xã Tân Lập giỏi thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa khá cao. Bà Nguyễn Thị Hường (thôn 3) cho hay, vụ đông xuân vừa qua, người dân sản xuất giống lúa mới TBR45 năng suất đạt từ 8-10 tấn/ha. Giống lúa TBR45 lại dễ chăm sóc, chống chịu sâu bệnh tốt, gạo cho cơm ngon nên đang được người dân địa phương ưa chuộng và mở rộng sản xuất.
Với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp ở địa phương có chuyển biến đáng kể, đời sống người dân được nâng lên nhiều hơn so với trước.
Văn Nhiên