Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông vùng nông thôn
Những năm qua, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) cũng như chính quyền các địa phương đã ưu tiên nguồn vốn, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông về các huyện, xã, thôn làng vùng nông thôn nhằm tạo thuận lợi đi lại, giao thương, thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng nông thôn phát triển.
Xác định được tầm quan trong của phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua, ngành GTVT đã tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó, chú trọng vào đầu tư mở mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối giữa các vùng ở các huyện vùng sâu, vùng xa, qua đó, tạo thuận lợi để các huyện khai thác quỹ đất, kết nối giao thương thúc đẩy kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Các tuyến đường được mở mới kết nối giữa các vùng như tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh nối liền 3 huyện Đăk Glei- Tu Mơ Rông và Kon Plông; tuyến đường Đăk Kôi- Đăk Pxi nối liền giữa 2 huyện Đăk Hà và Kon Rẫy; tuyến đường từ huyện Sa Thầy đi huyện Ia H’Drai, các tỉnh lộ 671, 675, đường tái định cư thuỷ điện Plei Krông và các dự án đường giao thông khu kinh tế trọng điểm Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, khu kinh tế trọng điểm Măng Đen huyện Kon Plông được đầu tư hoàn thiện đã góp phần mở rộng kết nối giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
|
Cùng với đó, các huyện, thành phố cũng ưu tiên các nguồn vốn tập đầu tư của nhà nước như vốn các chương trình MTQG để đầu tư hạ tầng giao thông, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường liên xã liên thôn. Đặc biệt, các huyện trong tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền vận động, huy động sức dân, hiến đất mở đường để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn để tạo thuận lợi đi lại. Đặc biệt, huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô đã lấy ngày 10/10 hàng năm thành ngày truyền thống tổ chức ra quân làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Cũng như từ phong trào này, mà đến nay hàng trăm kilomet đường giao thông nông thôn đã được xây dựng bê tông hóa. Đến nay, ở địa bàn hai huyện này có 100% số xã có đường ô tô đi đến được trong cả 2 mùa và trên 80% tuyến đường thôn được bê tông hóa.
Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng sâu vùng xa, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân, đảm bảo kết nối đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhiều tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao,
Đến nay, mạng lưới tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã phát triển với tổng chiều dài hơn 550km (so với năm 2016, toàn tỉnh tăng khoảng 617km đường); đường huyện có 922km và đường xã 3.698,5km; còn lại là đường trong khu công nghiệp, khu kinh tế 54km; đường tuần tra biên giới có 434km.
|
Tình trạng kỹ thuật và chất lượng mặt đường được cải thiện, mặt đường bê tông xi măng và nhựa tăng từ 30% -70%; mặt đường đất, cấp phối giảm từ 65% -30%; 100% đường trục xã, liên xã được cứng hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đảm bảo giao thông thuận lợi cả 2 mùa; có 64/85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng 49 xã so với năm 2016).
Phải khẳng định, nhờ sự quan tâm đầu tư nên hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thì hạ tầng giao thông, nhất là giao thông ở các huyện, xã thôn làng vùng sâu vẫn cón nhiều hạn chế. Tỷ lệ đường đất vẫn còn cao nên việc đi lại trong mùa mưa còn nhiều khó khăn vất vả.
Do đó, để mạng lưới hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian tới, ngành GTVT, các huyện thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của địa phương theo Nghị quyết HĐND tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả như dự án trên Tỉnh lộ 671, 675, 673, đường tái định cư thủy điện Plei Krông. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý ngành đối các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của địa phương. Phối hợp với sở ngành, chính quyền huyện, thành phố rà soát, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, xã theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trục có lưu lượng giao thông lớn, các tuyến đường thuộc khu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và xây dựng mới các tuyến đường giao thông nông thôn bằng cách lồng ghép vào chương trình nông thôn mới và các chương trình MTQG khác, qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Hà Nam